Chỉ còn non tháng nữa, học sinh các cấp bắt đầu bước vào năm học mới. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy ở các trường nói riêng và địa phương trong tỉnh đã được triển khai tốt hơn các năm trước.
Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó phòng GD - ĐT Quy Nhơn cho biết: Ngay đầu năm học mới 2010-2011, có 3 trường “khánh thành” thêm các phòng học mới là Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (15 phòng), Phổ thông cơ sở Nhơn Hội (8 phòng) và THCS Ngô Văn Sở (16 phòng) được đầu tư từ nguồn vốn thuộc Đề án kiên cố hóa trường học (giai đoạn 2008-2010) và giải phóng mặt bằng đường Xuân Diệu của TP Quy Nhơn (Trường THCS Ngô Văn Sở). Ngoài ra, còn có nhiều trường được UBND TP. Quy Nhơn trang bị thêm các thiết bị dạy học, bàn ghế phục vụ công tác giảng dạy với tổng số tiền gần 1,9 tỉ đồng. “Trong năm 2010 này, thành phố Quy Nhơn tiếp tục có thêm 5 danh mục xây dựng gồm 35 phòng học, kinh phí đầu tư khoảng 5 tỉ đồng từ Đề án kiên cố hóa trường học; có thể bắt đầu thi công trong tháng 9 tới. Ngoài ra, các nhà vệ sinh ở một số trường học đã xuống cấp thuộc 5 xã vùng ngoại thành, xã đảo cũng sẽ được xây dựng, sửa chữa lại trong năm nay từ nguồn kinh phí của địa phương…”- bà Trúc cho biết thêm.
|
Được xây dựng thêm 12 phòng học mới, Trường THPT Vĩnh Thạnh sẽ chấm dứt tình trạng học 2 buổi/ngày như trước đây. Ảnh: Thu Hà |
Bước vào năm học mới, 317 học sinh bậc THCS, trong đó có 87 học sinh người dân tộc Bana xã Vĩnh An và 230 học sinh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường huyện Tây Sơn sẽ đi học gần nhà hơn khi được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú vừa mới được xây dựng tại xã Vĩnh An. Trường được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 5,5 tỉ đồng gồm: một khu nhà lớp học 2 tầng (423 m2), nhà hiệu bộ giáo viên, khu vệ sinh, có nhà ăn và nhà ở (10 phòng) dành cho học sinh nội trú; tường rào cổng ngõ được xây dựng kiên cố. “Trước đây, học sinh 2 xã này phải đi học ở Trường THCS Bình Tường, cách nhà đến 15km. Các em học sinh người dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh An phải cơm đùm cơm nắm mang theo, đường đi lại cách trở. Có trường nội trú ngay tại xã Vĩnh An sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em”- ông Trần Văn Trình, cán bộ tổ chức Phòng GD - ĐT huyện Tây Sơn cho biết.
Cũng từ chương trình hỗ trợ 30a của Chính phủ mà Trường THPT Vĩnh Thạnh được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học mới (kinh phí 3,8 tỉ đồng), nâng tổng số phòng học lên 32 phòng. Theo ông Nguyễn Bá Lập, Hiệu trưởng trường, với số phòng học hiện có, sẽ chấm dứt được tình trạng học sinh học 2 buổi/ ngày vì không đủ phòng như trước đây.
Theo báo cáo của Sở GD - ĐT, thực hiện Đề án Chương trình kiên cố hóa trường học giai đoạn 2 (2008-2012), từ năm 2008 đến tháng 12.2009, đã có 922 phòng học; 211 phòng nhà công vụ giáo viên được xây dựng, tổng giá trị xây lắp hoàn thành là 223,94 tỉ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu, ngành đã xây dựng 109 phòng học, 6 phòng bộ môn, 20 phòng ở cho học sinh, 180 khu vệ sinh, 1.500 m tường rào và sách giáo khoa, bàn ghế học sinh, giáo viên với tổng kinh phí là 35,45 tỉ đồng (khối tỉnh 15,6 tỉ, khối huyện 19,85 ti). Trong năm 2010 này, ngành GD-ĐT đã và đang tiếp tục xây dựng thêm 687 phòng học, 42 nhà công vụ giáo viên. “Những công trình đang xây dựng sẽ cố gắng hoàn thành trước học kỳ 1 năm học này. Ngoài những công trình thuộc Sở quản lý và làm chủ đầu tư, khối các huyện thành phố cũng đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp cho năm học mới. Nhìn chung, mạng lưới trường lớp đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh”- ông Thái Như Võ, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở GD-ĐT nói.
|