Sáng nay (26.7), ngày đầu tiên làm việc của kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa X, nhiều báo cáo, tờ trình đã được trình bày. Một trong những tờ trình được đông đảo người dân, đặc biệt là cán bộ cấp xã, thôn quan tâm là Tờ trình về việc quy định chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định chức danh những người hoạt động không chuyên trách; mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh; mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với những người hoạt đông không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính cấp xã, loại thôn; quy định mức khoán hoạt động của các đoàn thể ở cấp xã theo số lượng những người hoạt động không chuyên trách bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương”. Theo đó, để đảm bảo hoạt động của cán bộ không chuyên trách của hệ thống chính trị ở 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và các hoạt động tự quản của người đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, làng, khối phố, khu phố, UBND tỉnh đã gửi Tờ trình quy định về chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn để HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
|
Ông Trần Kim Sơn (bìa trái), trưởng thôn Nghiễm Hòa, xã Nhơn Hòa (An Nhơn) phấn khởi khi nghe có chế độ, chính sách mới cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn. Ảnh: Q.K |
Về số lượng, dựa trên tiêu chí diện tích, dân số và các yếu tố đặc thù, toàn tỉnh có 57 xã loại 1 được bố trí 22 người, có 95 xã loại 2 được bố trí 20 người và 7 xã loại 3 được bố trí 19 người. Như vậy với 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được bố trí tối đa là 3.287 người. Việc bố trí người hoạt động không chuyên trách ở xã phải theo đúng chức danh quy định trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng lĩnh vực công tác và tùy theo loại xã. Cụ thể có 3 nhóm: Nhóm chức danh thuộc Đảng ủy xã gồm những người hoạt động không chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ công tác của Đảng ủy theo từng lĩnh vực như: tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, dân vận và văn phòng. Nhóm chức danh thuộc mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã gồm các chức danh phó chủ tịch Ủy ban mặt trận, phó chủ tịch các hội Cựu chiến binh - Nông dân - Phụ nữ, phó bí thư Đoàn Thanh niên, chủ tịch các hội Người cao tuổi và Chữ thập đỏ; mỗi chức danh bố trí một người. Nhóm chức danh thuộc UBND xã gồm các chức danh phó chỉ huy quân sự xã, phó công an xã và các chức danh được giao nhiệm vụ giúp UBND xã quản lý hành chính theo từng lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực. Số lượng bố trí tùy theo loại xã, từ 7-10 người.
Về phụ cấp, sử dụng hệ số 1,0 đối với các chức danh trưởng các ban, ủy ban của đảng ủy xã; phó công an xã, phó chỉ huy quân sự xã; hệ số 0,9 đối với các chức danh phó chủ tịch UBMT và các chức danh thuộc UBND xã; hệ số 0,8 đối với các chức danh phó của tổ chức đoàn thể xã, chủ tịch các hội Chữ thập đỏ, Người cao tuổi.
Đối với cấp thôn, mỗi thôn có 3 người, bố trí theo các chức danh: bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn. Nếu thôn có từ 1.500 nhân khẩu trở lên thì được bố trí thêm một phó trưởng thôn. Mức phụ cấp, hệ số 0,6 đối với bí thư chi bộ và trưởng thôn; hệ số 0,5 đối với phó trưởng thôn.
Tờ trình cũng đưa ra mức khoán kinh phí hoạt động cho mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã và thôn. Theo đó, kinh phí khoán cho hoạt động của Ủy ban MTTQVN và Đoàn Thanh niên ở xã là 6 triệu đồng/năm/tổ chức; Hội Phụ nữ và Hội Nông dân là 4 triệu đồng/năm/tổ chức; các hội Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ và Người cao tuổi 3 triệu đồng/năm/tổ chức.
Ở thôn, kinh phí hỗ trợ cho Ban công tác mặt trận là 3.480.000 đồng/năm; mỗi tổ chức đoàn thể là 2.640.000 đồng/năm.
Ngoài ra, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn còn được hưởng một số chính sách khác trên cơ sở áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Căn cứ Luật BHXH và Luật BHYT, hỗ trợ để người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH tự nguyên và BHYT, mức hỗ trợ bằng 2/3 mức đóng tối thiểu theo địa bàn đối với loại BHXH tự nguyện và BHYT tại thời điểm tham gia theo quy định. Đối với trưởng thôn được hỗ trợ 2/3 mức đóng BHYT tối thiểu theo địa bàn đối với loại hình BHYT tự nguyện tại thời điểm tham gia theo quy định.
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã và Pháp lệnh Dân quân tự vệ, phụ cấp theo hệ số 0,5 mức lương tối thiểu với công an viên và thôn đội trưởng. Căn cứ Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 25.3.2003 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cho già làng tại các làng dân tộc thiểu số mức hỗ trợ bằng 0,5 mức lương tối thiểu.
Thời điểm áp dụng được đề nghị là từ ngày 1.7.2010.
Với việc thông qua Tờ trình về việc quy định chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, sẽ góp phần củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở, giúp cán bộ cơ sở có điều kiện để thực thi nhiệm vụ tích cực hơn.
|