NGÀY LÀM VIỆC THỨ 2 CỦA KỲ HỌP THỨ 17, HĐND TỈNH KHÓA X:
Nhiều băn khoăn, bức xúc
20:44', 27/7/ 2010 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa X đã dành trọn ngày làm việc thứ 2 (27.7) để các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ. Sau đây là một số ý kiến đáng chú ý tại các tổ thảo luận mà nhóm PV Chính trị - Xã hội Báo Bình Định ghi nhận được.

* ĐB NGUYỄN AN ĐIỀM (PHÙ CÁT):

Tạo bước đột phá để phát triển công nghiệp

Đánh giá của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2010 là nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng có dấu hiệu phục hồi rất khả quan, tuy nhiên theo tôi vẫn chưa thể khẳng định là phát triển ổn định và bền vững. Trong khi đó, một số tỉnh trong khu vực như Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam… trước đây so với Bình Định không có nhiều lợi thế, nhưng trong thời gian qua, họ đã tạo ra lợi thế cho mình bằng cách xây dựng cảng biển, mở đường lên Tây Nguyên, mở các đường bay… để cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư, các dự án lớn, nhờ vậy mà công nghiệp của họ đang trên đà phát triển khá tốt.

Ở tỉnh ta, thời gian qua, những mặt hàng được xem là mũi nhọn như gỗ tinh chế, thủy sản, khoáng sản gần đây đã bão hòa, không tạo được bước đột phá. Vì vậy, tỉnh cần chú trọng vào các dự án đầu tư mới, cụ thể là nên rà soát, đưa vào hoạt động các dự án đầu tư lớn có hiệu quả ngay, gây được tiếng vang để thu hút các nhà đầu tư. Lâu nay, tỉnh ta làm rất mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, nhà đầu tư đăng ký thì nhiều, nhưng số dự án được triển khai, thực hiện thì rất ít. Do đó cần phải tập trung thu hút những nhà đầu tư có thực lực, tạo được bước đột phá. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải rà soát, xem xét lại các thủ tục thu hút đầu tư, nếu có vướng mắc thì kịp thời tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào, từ đó mới tạo được bước đột phá cho công nghiệp phát triển.

 

* ĐB MAI THANH THẮNG (TUY PHƯỚC):

Cần chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình “tam nông”

6 tháng đầu năm 2010, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có những thành tựu đáng mừng, đặc biệt năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay, tôm được mùa… Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều điểm khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm:

Về chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trên lĩnh vực này là “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thời gian qua, ta có chú ý song chưa tập trung chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình để triển khai chủ trương này, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập: hệ thống đê sông (sông Côn, sông Hà Thanh) chưa được đầu tư đúng mức; đê biển còn những nơi xuống cấp (chẳng hạn như tràn Dương Thiện ở Phước Sơn, Tuy Phước); sự chỉ đạo điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không hợp lý. Như vùng sản xuất lúa ven đê Đông (Phước Sơn) được chỉ đạo chuyển đổi sang sản xuất 2 vụ lúa, mãi đến khi vào lịch thời vụ mới điều tiết nước thì không thể có điều kiện để xử lý nhiễm mặn. Do đó, vụ Thu vừa qua có một số diện tích lúa ở đây bị thiệt hại do nhiễm mặn.

Mặt khác, sự phối hợp giữa Công ty khai thác công trình thủy lợi với địa phương và HTX nông nghiệp thiếu đồng bộ, có trường hợp theo sự phản ánh của cử tri là không sòng phẳng trong hợp đồng công nạo vét kênh mương nhưng HTX vẫn phải làm vì đã vào vụ sản xuất, làm để phục vụ nông dân.

 

* ĐB ĐINH VĂN BEO (AN LÃO):

Phải quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng

Với tình trạng khai thác rừng ồ ạt, bất chấp hậu quả như hiện nay, nếu không có biện pháp khai thác, quản lý bảo vệ rừng kịp thời thì e rằng chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Hiện nay, các tuyến đường lên các xã miền núi, vùng cao đã được xây dựng với mục đích phục vụ dân sinh, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lâm tặc. Điển hình như ở xã vùng cao An Toàn, tuyến đường lên trung tâm xã đã cơ bản xong thì cũng là lúc lâm tặc lộng hành hơn vì vận chuyển gỗ lậu đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nếu tiếp tục đà này, e rằng rừng nguyên sinh ở An Toàn chẳng bao lâu sẽ bị tàn phá hết. Ngoài ra, việc san lấp, đào ủi mặt bằng khi làm đường, hoặc khai thác rừng kinh tế bất chấp hậu quả sẽ dẫn đến hiện tượng bồi lấp đồng ruộng, kênh mương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân ở khu vực bên dưới.

Những năm qua, đời sống của người dân miền núi đã khởi sắc hơn nhờ vào nghề rừng. Bởi vậy, tôi đề nghị tỉnh nên có chính sách tạo điều kiện cho người dân ở 3 huyện miền núi trồng rừng, quản lý và khai thác. Nhưng quản lý, khai thác rừng như thế nào cho có hiệu quả thì phải có sự chỉ đạo của Nhà nước. Ngoài ra, tôi thấy hiện nay chưa có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm lâm luật; cơ chế quản lý, xử phạt, tịch thu gỗ lậu vẫn còn nhiều chồng chéo…

 

* ĐB TRẦN THỊ THU HÀ (HOÀI NHƠN):

Xem lại chủ trương khai thác cát

Biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn. Trong đó, các nhà khoa học đã từng cảnh báo, nếu chúng ta cứ khai thác cát ở một số cửa biển sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Tôi đề nghị tỉnh phải xem lại chủ trương cho các nhà đầu tư khai thác cát ở 4 km bờ biển ở Hà Ra, Phú Thứ (Phù Mỹ) và 2 km ở Đề Gi (Phù Cát). Một là, cơ sở nào để các nhà đầu tư xác định lấy 4 km hay 2 km đường biển, rồi độ nông sâu. Các ngành hữu quan đã họp nhiều lần. Các nhà khoa học cũng đã thảo luận rất kỹ vấn đề này. Bởi, Bình Định được các nhà khoa học liệt vào danh sách những tỉnh bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Trong khi Bình Định có đặc thù núi chạy ven biển, địa hình bờ biển rất thấp, rất sâu, chứ không phải bãi bồi.

Còn nếu chỉ vì có tiền để làm kè mà tỉnh đồng ý cho nhà đầu tư hút hết cát biển ở hai cửa biển này là rất nguy hiểm. Vừa rồi, quan điểm của các nhà đầu tư là hút cát trên 2 km bờ biển để lấp cửa Đề Gi. Nhưng năm 2006, trong một đề tài nghiên cứu chúng tôi đã nói rất rõ, đây là vùng xói lở rất nặng, chưa đủ cơ sở để lấy 2 km cát biển đó.

  • Sương - Hà - Hiền - Phúc

Vì sao KKT Nhơn Hội chậm thu hút đầu tư?

Sản xuất công nghiệp chưa chuyển biến mạnh mẽ, Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội - công trình được xem là tạo bước đột phá cho công nghiệp Bình Định - vẫn “dậm chân tại chỗ”, đây là vấn đề được khá nhiều ĐB quan tâm, nêu ý kiến tại các tổ thảo luận.

 

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Văn Lưu

 

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp Bình Định tăng trưởng là tín hiệu khả quan, nhưng không thể gọi là “đáng mừng”, đó là băn khoăn của nhiều ĐB. ĐB Võ Công Đoàn (Tây Sơn) lo ngại: “Mũi tên phát triển sản xuất công nghiệp tỉnh ta đang đi theo chiều ngang, không có gì biến chuyển mạnh mẽ như những năm trước đây. Nhìn quanh các tỉnh bạn, nếu không có đột phá thì ta sẽ bị tụt hậu”. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Chế Trường (Hoài Nhơn) cũng đề nghị tỉnh cần đánh giá lại nhu cầu phát triển các khu, cụm kinh tế, bởi có những KKT không thu hút được nhà đầu tư.

Trong nội dung này, phát triển KKT Nhơn Hội là vấn đề được rất nhiều ĐB quan tâm. Điều khiến các ĐB băn khoăn, bức xúc nhất là tại sao KKT Nhơn Hội không thu hút được nhà đầu tư. ĐB Nguyễn Xuân Dương, nêu vấn đề: “Vì sao hạ tầng KKT Nhơn Hội khang trang nhưng không có nhà đầu tư vào, trong khi các KKT khác lại thu hút được đầu tư? Theo tôi, tỉnh phải xem lại trách nhiệm của các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong việc vì sao họ kéo dài thời gian xây dựng hạ tầng KKT cũng như việc kêu gọi đầu tư không hiệu quả. Người dân trong tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào KKT Nhơn Hội. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục”.

ĐB Nguyễn An Điềm (Phù Cát) bức xúc: “Ban Quản lý KKT Nhơn Hội không nên giao khoán cho các nhà đầu tư mà phải xem xét lại giá thuê đất sao cho hợp lý, yêu cầu nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cam kết tiến độ hoàn thành. Việc tuyên truyền xúc tiến đầu tư vào KKT lâu nay chúng ta làm rất tốt nhưng cũng cần rà soát lại vấn đề thủ tục hành chính cho thật chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, thu hút doanh nghiệp vào hoạt động”. Ngoài ra, một số yếu tố khác như nước mặn, cát bay cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu không mặn mà với KKT Nhơn Hội .

ĐB Vũ Hoàng Hà cũng nhìn nhận, đây là vấn đề khá bức xúc: “Ở KKT Nhơn Hội, công tác giải phóng mặt bằng vẫn ì à ì ạch, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hệ thống nước thải… - những tiền đề để công nghiệp tăng tốc- vẫn chưa xong. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính còn chậm; chúng ta cũng không khống chế được giá thuê mặt bằng (do chủ đầu tư cơ sở hạ tầng đưa ra-PV). Đây là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đến rồi lại đi. Việc chỉ đạo cho phép các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng được tận thu ti tan là chủ trương chưa hợp lý. Nếu những vấn đề này không được quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa thì nguy cơ tụt hậu về sản xuất công nghiệp là khó tránh khỏi”.

  • S-H-P-H

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa  (27/07/2010)
4 thí sinh dự Hội thi tay nghề quốc gia  (27/07/2010)
Tặng quà cho gia đình chính sách  (27/07/2010)
Tìm thấy hài cốt 2 liệt sĩ an ninh Bình Định tại Quảng Nam  (26/07/2010)
Xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách   (26/07/2010)
KBNN Bình Định đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (26/07/2010)
Chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn  (26/07/2010)
Tập trung nghe các báo cáo, tờ trình   (26/07/2010)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn   (26/07/2010)
Thêm trường mới, lớp mới   (26/07/2010)
Thầm lặng đền ơn đáp nghĩa   (26/07/2010)
Những bước chân không mỏi…   (26/07/2010)
Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng  (25/07/2010)
Nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng  (25/07/2010)
Chuyện ghi ở những lớp dạy nghề tình nghĩa  (24/07/2010)