XUNG QUANH ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH GIÁ VIỆN PHÍ CỦA BỘ Y TẾ:
Cần cân nhắc kỹ
21:22', 28/7/ 2010 (GMT+7)

Bộ Y tế cho rằng, đề xuất này là để điều chỉnh giá viện phí mà Thông tư 14 ban hành năm 1995 vốn đã lạc hậu và gây cản trở cho hoạt động các bệnh viện. Tuy nhiên, cả cơ sở y tế lẫn người dân đều cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí cần phải được cân nhắc kỹ.

* Bệnh nhân lo lắng

Trong khi các cơ sở y tế ủng hộ và đề nghị phải có sự điều chỉnh giá viện phí phù hợp thì nhiều bệnh nhân và người dân đang rất lo lắng.

 

Theo dự thảo điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế, nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế tăng giá khá cao. Ảnh: Thu Hiền

 

Anh Võ Văn Tiến, 48 tuổi, ở tổ 8, khu vực 3, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, nhập viện điều trị bệnh thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh hơn nửa năm nay. Nói đến chuyện giá viện phí tăng - chị Tống Thị Trưng, vợ anh Tiến - khóc: “Tiếng nhà có 6 người, nhưng chỉ có anh là lao động chính. Hai đứa con lớn còn đang đi học, đứa út vừa thi đỗ vào trường trung cấp, nhưng giờ đành để nó nghỉ. Từ ngày anh chạy thận, tiền tích cóp mấy năm anh làm thợ hồ cứ theo đó mà đi. Anh có BHYT, nhưng mỗi tháng cũng phải chi hơn 3 triệu đồng, tiền thuốc chữa rối loạn tiền đình, chuyền đạm… Bây giờ, gia đình tôi đã không còn kham nổi số tiền này, huống gì là tăng nữa…”.

Chị Lê Thị Bích Ngọc, 49 tuổi, ở Nhơn Hưng, An Nhơn, nước mắt ngắn dài khi nghe tin viện phí tăng. Cậu con trai 27 tuổi mắc bệnh thận đã 3 năm nay. Chồng mất, con trai nhỏ chưa làm ra tiền, chị làm nông, nhưng từ ngày con mắc bệnh, chị bỏ luôn cả việc đồng áng. Giờ đây, số tiền để chạy thận cho con là tiền vay mượn. Chị bần thần: “Bây giờ tui kiệt sức rồi!”.

Còn ông Phạm Đan, 73 tuổi, ở xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ chạy thận nhân tạo đã được 2 năm. Hai vợ chồng đều là thương binh, ông được miễn phí hoàn toàn tiền viện phí; nhưng khoản tiền ăn, tiền ở, tiền thuốc thang, chuyền đạm đã ngốn hết hai suất lương. Hàng ngày, vợ ông phải lượm ve chai trong bệnh viện để kiếm tiền. Bà cho biết: “Với người nghèo, khoản tiền cùng chi trả BHYT 5% đã là quá sức. Giờ nếu tăng viện phí nữa thì nguy quá!”.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, nhất là ở các xã vừa thoát nghèo thì khung viện phí hiện hành đã là gánh nặng oằn vai.

Bác sĩ Hứa Tự Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiều bệnh nhân vào viện, đã phải ngồi khóc trước cửa phòng Ban lãnh đạo để xin miễn giảm viện phí. Những trường hợp này, bệnh viện “bỏ thì thương” nhưng cũng không có cách giải quyết. Nhiều người “bí” quá trốn viện luôn. Việc thu phí với bệnh nhân ở bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn”.

* Cân nhắc điều chỉnh phù hợp

Theo Bộ Y tế, khung giá viện phí sửa đổi lần này mới chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất xét nghiệm; tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp; các chi phí hành chính phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị, các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Giá viện phí tăng nhiều nhất là tiền ngày giường điều trị. Tiền ngày giường hồi sức cấp cứu ở bệnh viện hạng 1 (12.000 đồng - 18.000 đồng, nay 100 ngàn đồng - 120 ngàn đồng), ngày giường ở các khoa truyền nhiễm, hô hấp, nhi… của bệnh viện hạng 2 (6.000 đồng - 8.000 đồng, nay 50.000 đồng - 80.000 đồng). Một số dịch vụ như chọc rửa xoang hàm trước đây 5.000 đồng - 15.000 đồng, nay tăng 150 ngàn đồng - 250 ngàn đồng, hội chẩn để xác định ca bệnh khó 300 ngàn đồng - 500 ngàn đồng… Đáng chú ý là nếu chiếu theo mức điều chỉnh tăng viện phí của dự thảo, nhiều dịch vụ y tế sẽ không chỉ tăng 7 - 10 lần mà đến hàng trăm lần. Chẳng hạn, thủ thuật sinh thiết tủy xương được đề nghị tăng tới 180 lần, từ 10.000 - 30.000 đồng lên 1,8 triệu - 2 triệu đồng, tùy tuyến điều trị; chọc rửa màng phổi/hút khí màng phổi từ 15.000 đồng lên 300 ngàn đồng; soi thực quản từ 15.000 đồng lên 300 ngàn đồng; soi thanh quản/lấy dị vật từ 20.000 đồng lên 300 ngàn đồng... Một số dịch vụ kỹ thuật cao được giảm xuống, như CT trước 1 triệu đồng, nay giảm còn 800 ngàn đồng, chụp MRI trước 2 triệu đồng, nay còn 1,8 triệu đồng…

 

Điều chỉnh giá viện phí là việc làm cần thiết hiện nay. Bởi, khung viện phí khám, chữa bệnh được áp dụng theo Thông tư 14 từ cách đây 15 năm đã “quá lỗi thời”. Hơn nữa, cùng với cơ chế tài chính đối với bệnh viện công, điều chỉnh giá viện phí cũng sẽ giúp cho các bệnh viện có nguồn để đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đồng thời có nguồn để chi thu nhập tăng thêm và khen thưởng cho cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là các chuyên gia thầy thuốc giỏi, tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công.

So với Thông tư 14, dự thảo điều chỉnh 350 dịch vụ trong tổng khoảng 3.000 dịch vụ các bệnh viện hiện đang thực hiện. Trong đó, có khoảng 220 dịch vụ sử dụng ít vật tư hóa chất, điện, nước tăng 2,5 lần; 60 dịch vụ tăng 2,5 - 5 lần; 70 dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng như thuốc, vật tư, hóa chất tăng 7 - 10 lần.

Bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BVĐK Khu vực Phú Phong, phân tích: “Giá điều chỉnh tiền giường và khám bệnh, đa số bệnh nhân BHYT có thể cùng chi trả được. Tại bệnh viện, cơ cấu giá tiền khám bệnh và tiền giường chỉ chiếm 3% tổng cơ cấu các chi phí, nên việc tăng giá cũng không ảnh hưởng nhiều. Như vậy, còn 30% dịch vụ y tế là bệnh nhân phải trả thêm”.

Nói về những dịch vụ tăng khá cao, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho rằng: Các đối tượng không có thẻ BHYT là những người bị ảnh hưởng nặng nhất đối với điều chỉnh viện phí (khoảng 40% dân số); người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội… có thẻ BHYT nhưng phải cùng chi trả. Ngay cả những đối tượng phải chi trả 20% như cán bộ công chức cũng sẽ gặp khó khăn khi mắc các bệnh nặng hay bệnh mãn tính.

Được biết, trước dư luận báo chí và xã hội, Bộ Y tế đã rút lại dự thảo điều chỉnh giá viện phí để tiếp tục nghiên cứu. Bác sĩ Thảo nhấn mạnh: Giá viện phí, kể cả Thông tư 03 năm 2006 với một số dịch vụ kỹ thuật và vật tư cũng đã không phù hợp. Tuy nhiên, Bộ nên cân nhắc điều chỉnh giá sát với tuyến kỹ thuật; thực tế thu nhập và điều kiện sống của người dân từng vùng miền. Mặt khác, cũng nên có điều chỉnh khoán chi trả của BHYT trên đầu ca phẫu thuật.

Để đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh thì ngân sách Nhà nước phải bỏ ra trên 50% tổng mức chi cho y tế của toàn xã hội và mục tiêu của điều chỉnh viện phí lần này cũng nhằm để đảm bảo cho an sinh xã hội, tránh tình trạng vì phải gánh cho chi phí y tế mà nhiều hộ dân không thoát được nghèo, hoặc tái nghèo trở lại.

  • Thu Hiền

Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng?

Dư luận đặt câu hỏi, việc điều chỉnh giá viện phí có làm tăng chất lượng phục vụ và dịch vụ y tế?

Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn:

Đúng ra, thao tác điều chỉnh giá viện phí này phải làm từ lâu lắm rồi, chứ không đợi đến giờ. Tiền thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, điện nước… đã tăng gấp 20 lần, thậm chí 50 lần so với năm 1995. Ngay cả giá một số dịch vụ kỹ thuật y tế đã được điều chỉnh theo Thông tư 03 năm 2006 cũng có sự bất cập. Đơn cử, 1 ca mổ lấy thai có giá trọn gói 450 ngàn đồng, nhưng tiền chỉ vi phẫu 80.000 đồng/tấm (1 ca mổ lấy thai phải mất 7 - 10 tấm), chưa kể găng tay, thuốc mê, dây truyền… 

Khi điều chỉnh viện phí, bệnh viện sẽ hoạt động tốt hơn. Chất lượng phục vụ, dịch vụ y tế cũng tốt hơn. Nếu giá tiền giường bệnh 6.000 đồng/người/giường bệnh thì bệnh viện không có điều kiện mua giường nệm, thay mới chiếu, chăn màn thường xuyên được.

 

Việc điều chỉnh giá viện phí theo hướng tăng thêm, liệu có đi kèm với chất lượng phục vụ và dịch vụ tốt hơn?
 

Bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BVĐK Khu vực Phú Phong:

Tăng viện phí thì bệnh viện sẽ có kinh phí quay lại đầu tư, khi đó chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng. Tôi muốn nói ở đây là chất lượng phục vụ, dịch vụ và những chuẩn hóa của môi trường bệnh viện. Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ chất lượng dịch vụ là phải có bác sĩ tốt, máy móc hiện đại, thái độ phục vụ; mà không nghĩ đến môi trường, xử lý chất thải, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị…

Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn:

Muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phải đầu tư cùng một lúc nhiều vấn đề, đầu tư về máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, thủ tục hành chính, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Hiện tại, khi đến khám chữa bệnh, bệnh nhân hay phiền hà vì phải chờ đợi lâu (chờ khám bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng, nhận thuốc…), phiền hà vì phải nằm giường đôi do quá tải, thời gian bác sĩ trực tiếp thăm khám quá ít…

Khi có cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và điều chỉnh khung giá viện phí thì bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhưng, để có điều này phải mất một thời gian dài, nhất là khi tình trạng quá tải ở các bệnh viện vẫn còn phổ biến và thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh chưa được cải thiện nhiều.                  

T.Hiền (ghi)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những hy vọng gửi tới đại hội   (28/07/2010)
Nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu   (28/07/2010)
Vươn dậy Quy Nhơn   (28/07/2010)
Thông qua 13 nghị quyết   (28/07/2010)
Đội tuyển của huyện An Nhơn đoạt giải Nhất   (28/07/2010)
Sức mạnh của cấp ủy  (28/07/2010)
Nhiều băn khoăn, bức xúc  (27/07/2010)
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa  (27/07/2010)
4 thí sinh dự Hội thi tay nghề quốc gia  (27/07/2010)
Tặng quà cho gia đình chính sách  (27/07/2010)
Tìm thấy hài cốt 2 liệt sĩ an ninh Bình Định tại Quảng Nam  (26/07/2010)
Xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách   (26/07/2010)
KBNN Bình Định đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (26/07/2010)
Chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn  (26/07/2010)
Tập trung nghe các báo cáo, tờ trình   (26/07/2010)