PHIÊN GIẢI TRÌNH VÀ CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 17, HĐND TỈNH KHÓA X:
Bức xúc nhiều, thời gian ít
11:55', 29/7/ 2010 (GMT+7)

Chỉ có một buổi để người đứng đầu các sở, ngành vừa giải trình những vấn đề nổi cộm trong phiên thảo luận tổ vừa trả lời chất vấn của đại biểu HĐND nên nhiều vấn đề bức xúc chưa được đưa ra hoặc chưa được giải quyết thấu tỏ.

 

Đại biểu Huỳnh Văn Tân (đơn vị Tây Sơn) chất vấn: Vì sao dự án chăn nuôi bò sữa không thành công? Ảnh: V.Lưu

 

Theo Báo cáo tổng hợp các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh qua thảo luận tổ, có khá nhiều nội dung yêu cầu giải trình, nhất là trên các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT); công thương; điện; quản lý đất đai, tài nguyên – môi trường; quy hoạch; đầu tư; giao thông vận tải; du lịch; quản lý các khu kinh tế. Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, cũng có nhiều bức xúc yêu cầu giải trình. Ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp còn có nội dung giới thiệu và bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh; bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND tỉnh và thông qua dự thảo các nghị quyết của kỳ họp nên việc giải trình và trả lời chất vấn của các thủ trưởng sở, ngành chỉ dồn trong buổi sáng. Do vậy, dù có nhiều lãnh đạo sở, ngành như: Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Giao thông, Bảo hiểm xã hội (BHXH) giải trình và trả lời chất vấn, song thực tế chỉ có các giải trình của giám đốc Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nội vụ và BHXH là có vài câu hỏi chất vấn thêm.

Giải trình về tình trạng chặt phá rừng đang diễn ra phức tạp, nhất là trên địa bàn Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão; làm gì để giải quyết dứt điểm tình trạng chặt phá rừng, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thời gian qua, Sở NN&PTNT cũng đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường các trạm kiểm lâm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, phối hợp giám sát, hướng dẫn chủ rừng tăng cường công tác bảo vệ, kiểm tra nhưng việc xử lý dứt điểm tình trạng chặt phá rừng là rất khó. Giải pháp căn cơ cho tình trạng này, theo ông, là cần tạo công ăn việc làm cho những người sống gần rừng và đề cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Tánh về số lượng và chất lượng lúa giống, ông Phan Trọng Hổ cho rằng, chất lượng lúa giống đã được thay đổi từ năm 2010, riêng số lượng lúa giống thì năm nào cũng thiếu, phải lấy từ các nguồn: nông hộ, các HTX và công ty giống trung ương. Tuy nhiên, giống lúa chuyển từ nơi khác đến đều có khảo nghiệm. Đại biểu Huỳnh Văn Tân chất vấn: Vì sao dự án chăn nuôi bò sữa không thành công, trách nhiệm thuộc về ai? Ông Phan Trọng Hổ trả lời: Dự án chăn nuôi bò sữa cả nước có 26 tỉnh làm, hiện nay còn lại 6 tỉnh trong đó có Bình Định, đáng kể là ở khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân (An Nhơn). Ở Bình Định có nơi thất bại, nhưng cũng có nơi làm hiệu quả. Tỉnh cũng đã có sự phối hợp với Công ty Vinamilk để mở rộng chăn nuôi bò sữa trong thời gian đến. Về vấn đề vì sao diện tích cây mía liên tục giảm, Giám đốc Phan Trọng Hổ cho rằng, do thời gian qua, lợi nhuận cây mía không cao bằng cây mì song chính sách cho người nông dân trồng mía không kịp thời; trong khi đó, Công ty cổ phần Đường lại không tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu mía mà chỉ lo đi thu mua mía ở tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng mía cũng đã tăng lên được 2.416 ha, dự kiến trong năm 2010 sẽ đạt 3.000 ha như kế hoạch.

Trên bình diện vĩ mô, đại biểu Nguyễn Xuân Dương chất vấn: từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh ta đã có chuyển biến gì mới? Ông Phan Trọng Hổ cho rằng, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông, tỉnh đã có chuyển biến. Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đã bước đầu thu được kết quả ở các huyện miền núi, trong đó có việc đầu tư sản xuất nông nghiệp cho miền núi. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho nông dân được làm tốt hơn cũng góp phần tạo nên diện mạo mới ở nông thôn. Tuy nhiên, để nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt nông thôn cần sớm triển khai đề án xây dựng nông thôn mới.

Với Sở Kế hoạch - Đầu tư, vấn đề cần giải trình là vì sao danh mục các dự án đầu tư năm nay thông qua sớm, vốn không thiếu nhưng lại triển khai chậm chạp? Lý giải vấn đề này, ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, tình hình giải ngân bình quân cả nước 6 tháng đầu năm là 41,1%, Bình Định đã giải ngân đạt 41,36%. Dẫu vậy, so với yêu cầu là thấp. Sau khi thông báo tình hình giải ngân của các BQL dự án đầu tư các huyện, thành phố và một số BQL dự án thuộc tỉnh, ông Tâm cho rằng các huyện có bộ máy làm tham mưu tốt thì giải ngân tốt còn các huyện có cán bộ năng lực yếu thì làm rất chậm.

Vấn đề được đưa ra chất vấn cơ quan BHXH là tại sao BVĐK tỉnh được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực nhưng BHXH không đưa bệnh nhân đến khám mà lại dồn hết cho các cơ sở y tế tuyến dưới và y tế tư nhân? Ông Hà Thúc Chí, Phó giám đốc BHXH trả lời: Việc đưa bêïnh nhân BHYT về khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các tuyến xã và tuyến huyện hoặc tương đương là theo quy định của Luật BHYT. Theo các quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thì chỉ có 4 đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại BVĐK tỉnh là người có công, người 85 tuổi trở lên, người thuộc diện KCB tại Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh và trẻ em dưới 6 tuổi cư trú trên địa bàn TP Quy Nhơn. Sau khi Luật BHYT có hiệu lực, 4 đối tượng này chỉ còn khoảng 20.000 người, trong khi BVĐK TP Quy Nhơn lại quá tải. UBND tỉnh đã đồng ý tăng thêm 4 đối tượng và được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phê duyệt là: cán bộ hưu trí mất sức; CBNV các cơ quan, đoàn thể do UBND tỉnh quản lý; đại biểu HĐND tỉnh; cựu chiến binh đang cư trú trên địa bàn TP Quy Nhơn được đăng ký KCB tại BVĐK tỉnh. Hiện số thẻ tại BVĐK tỉnh đã lên đến gần 40.000 thẻ. Việc cơ quan BHXH ký kết hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế tư nhân là đúng luật pháp hiện hành.

Đại biểu Phạm Thị Oanh chất vấn: Gần đây, BHXH tỉnh đã gây áp lực đối với các bệnh viện về việc xuất toán nhiều khoản. Ông Chí cho rằng, năm 2009, Quỹ BHYT Bình Định âm 251 tỉ đồng, để cân đối thu chi theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh phải “siết” chặt, song BHXH cũng đã chỉ đạo các giám định viên không được can thiệp sâu vào chuyên môn của các bệnh viện, nếu thấy có dấu hiệu lạm dụng thì đề xuất để lãnh đạo có phương án giải quyết.

Tại phiên chất vấn, có lẽ Tờ trình về thành lập Sở Ngoại vụ bị các đại biểu chất vấn gay gắt và tập trung nhất. Các đại biểu Nguyễn Xuân Dương, Chế Trường, Nguyễn Thị Việt Hoa đều cho rằng, việc thành lập Sở Ngoại vụ là chưa cần thiết. Và  UBND tỉnh đã rút lại tờ trình này cùng với Tờ trình xin ý kiến thông qua Đề án đặt tên đường (bổ sung) trên địa bàn TP Quy Nhơn do còn có nhiều ý kiến khác nhau.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần cân nhắc kỹ   (28/07/2010)
Những hy vọng gửi tới đại hội   (28/07/2010)
Nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu   (28/07/2010)
Vươn dậy Quy Nhơn   (28/07/2010)
Thông qua 13 nghị quyết   (28/07/2010)
Đội tuyển của huyện An Nhơn đoạt giải Nhất   (28/07/2010)
Sức mạnh của cấp ủy  (28/07/2010)
Nhiều băn khoăn, bức xúc  (27/07/2010)
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa  (27/07/2010)
4 thí sinh dự Hội thi tay nghề quốc gia  (27/07/2010)
Tặng quà cho gia đình chính sách  (27/07/2010)
Tìm thấy hài cốt 2 liệt sĩ an ninh Bình Định tại Quảng Nam  (26/07/2010)
Xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách   (26/07/2010)
KBNN Bình Định đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (26/07/2010)
Chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn  (26/07/2010)