Cách đây 80 năm, vào ngày 1.8.1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay) đã xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1.8” kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết. Tài liệu này đã có tác động rộng rãi bởi ngay sau đó, hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân chống chiến tranh đế quốc đã nổ ra. Với ý nghĩa đó, vào năm 2000, Đảng ta quyết định lấy ngày 1.8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng. Trong suốt 80 năm qua, công tác tuyên giáo luôn đồng hành với quá trình hình thành và phát triển của Đảng, với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
|
Đồng chí Lê Kim Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao cờ luân lưu cho các đơn vị trực thuộc dẫn đầu khối thi đua tại Lễ tổng kết công tác tuyên giáo năm 2009. Ảnh: Văn Lưu |
Cùng với cả nước, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh ta cũng không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Thời kỳ 1930-1945, ở Bình Định tuy chưa hình thành tổ chức chuyên trách công tác tuyên giáo của Đảng bộ, nhưng các cấp ủy và đảng viên đều thực hiện công tác tuyên giáo, tuyên truyền chính trị, huấn luyện, đào tạo cán bộ, giáo dục và giác ngộ cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, đã tập hợp được đông đảo nhân dân đứng lên đấu tranh chống chính sách khủng bố của thực dân Pháp; hình thành nên cao trào tiền khởi nghĩa và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của Đảng bộ, tháng 4.1947, Tỉnh ủy thành lập Ban Tuyên huấn của tỉnh. Đến cuối năm 1948, Ban Tuyên huấn các huyện và Thị ủy Quy Nhơn được thành lập. Tổ chức bộ máy Tuyên huấn được xây dựng thành hệ thống từ tỉnh đến cơ sở. Trong thời kỳ này, công tác tuyên giáo của tỉnh tập trung tuyên truyền việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: kháng chiến và kiến quốc, tập trung vào việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp, thực hiện khẩu hiệu “Toàn dân vũ trang, toàn dân kháng chiến”...
|
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai học tập chuyên đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh? “là đạo đức, là văn minh”. Ảnh: Văn Lưu |
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, công tác tuyên giáo của tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ các phong trào đấu tranh ở miền núi, đồng bằng và các đô thị. Mốc đánh dấu mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang là cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6.2.1959, sau đó là chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam.
Những năm gần đây, công tác tuyên giáo của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tích quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Công tác tuyên giáo đã góp phần khẳng định đường lối chính trị đúng đắn của Đảng trước những sự kiện phức tạp trong nước và thế giới; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo ra những chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ; xây dựng và củng cố nền tảng tinh thần, nền tảng xã hội vững chắc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho công tác tuyên giáo của tỉnh: 1 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, 3 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 Huân chương Lao động hạng Ba. |
80 năm qua, cơ quan Tuyên giáo của Đảng bộ tuy có nhiều tên gọi khác nhau: Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên- Văn- Giáo, Ban Tuyên- Văn- Huấn- Giáo nhưng chức năng tham mưu cho Đảng là thống nhất và xuyên suốt. Trong quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo Bình Định đã ngày càng lớn mạnh, luôn luôn là những người đi trước và trong các phong trào cách mạng. Ngày nay, đội ngũ này đã có điều kiện tốt hơn để nắm bắt tình hình kịp thời; tạo thế chủ động trong việc hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới tỉnh nhà vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|