TRẠM TIẾP PHÁT LẠI TRUYỀN HÌNH:
Tồn tại hay không tồn tại?
21:9', 30/7/ 2010 (GMT+7)

“Trạm tiếp phát lại truyền hình - tồn tại hay không tồn tại?” là một trong những vấn đề mà các đại biểu khá quan tâm và thảo luận sôi nổi tại Hội nghị giao ban Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2010, do Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định vừa tổ chức.

Lâu nay, vẫn có quy định Đài Truyền thanh - Truyền hình các địa phương phải thực hiện việc tiếp phát lại chương trình của đài tỉnh, đài Trung ương để phục vụ nhân dân. Đây được xem là một chủ trương chính đáng và phù hợp, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân trong khi năng lực phủ sóng phát thanh, truyền hình của quốc gia chưa thể “quán xuyến” đầy đủ các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là các vùng lõm sóng. Từ đó, nhờ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu đã trang bị được các trạm phát lại ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi sóng phát thanh truyền hình chưa vươn đến được.

 

Việc lắp đặt các trạm tiếp phát lại các chương trình truyền dẫn, truyền thanh, truyền hình sẽ đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân các xã đảo, hải đảo và vùng cao,

- Trong ảnh: Một góc xã đảo Nhơn Châu.  Ảnh: Văn Lưu

 

Thời gian qua, ở tỉnh ta các trạm đã “góp sức” trong việc phủ sóng truyền hình, đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực bị lõm sóng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phục vụ, hiện nay các tiếp phát lại truyền hình do không được đầu tư, nâng cấp thường xuyên nên hầu hết đều xuống cấp, hư hỏng một cách trầm trọng.

Theo ông Thân Trọng Nghĩa, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Phù Cát: “Trạm tiếp phát lại tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát do Đài huyện quản lý, vận hành để phục vụ nhu cầu xem chương trình truyền hình VTV, BTV cho nhân dân khu vực xã Cát Tài và các xã lân cận trong vùng lõm sóng. Vào năm 2009, sau cơn bão số 11 trụ ăngten của trạm bị ngã, đổ nhưng do không có kinh phí nên tới nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng lại. Hiện trạm chưa thể đi vào hoạt động lại bình thường. Mặc dù không hoạt động nhưng tháng nào Đài cũng phải trả tiền công cho cán bộ trực, bảo vệ, tiền điện… gây khó khăn cho đài”.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 trạm tiếp phát lại cấp tỉnh đặt tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát sóng Vũng Chua, Trạm TPL Đệ Đức. Có 6 trạm phát sóng tại các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh và 11 trạm tại các xã Nhơn Hòa (An Nhơn), Cát Tài (Phù Cát), Mỹ Đức (Phù Mỹ), An Vinh - An Quang - An Dũng (An Lão), Bok Tới (Hoài Ân), Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Bình Tường (Tây Sơn), Phước Thành (Tuy Phước), Nhơn Châu (TP Quy Nhơn).

Ông Đặng Văn Thanh, Trưởng Đài Truyền thanh TP Quy Nhơn, cho biết thêm: “Trạm tiếp phát lại tại xã đảo Nhơn Châu, Tp Quy Nhơn cũng đang trong tình trạng báo động. Do tiếp xúc thường xuyên với khí hậu vùng biển nên hiện các thiết bị bị hỏng hóc rất nhiều; việc duy tu, bổ sung, bảo dưỡng còn gặp rất nhiều khó khăn do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ở đây còn hạn chế và thiếu kinh phí”. Đa số trạm tiếp phát lại của các huyện khác cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự giống như Phù Cát, Quy Nhơn.

Có thể nói rằng “sứ mệnh” phủ sóng phát thanh, truyền hình, mang ánh sáng văn hóa đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa của các trạm tiếp phát lại là không thể chối bỏ. Nhưng hiện nay, khi mà Trung tâm truyền hình cáp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã phát sóng một số kênh qua vệ tinh VINASAT-1. Trong đó, các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6 và VCTV10 là những kênh không khóa mã, phát miễn phí. Bên cạnh đó, qua một vài khảo sát gần đây cho thấy, các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa đa số họ thường sử dụng anten chảo để thu tín hiệu các kênh truyền hình của VTV trực tiếp; chứ gần như không sử dụng anten dàn để thu tín hiệu thu phát lại từ các trạm tiếp phát lại như trước. Hơn thế nữa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 nhằm phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, đảm bảo có thể chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ. Thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.

Trước tình trạng đó, vần đề đặt ra hiện nay là chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh và truyền hình cần phải tổ chức khảo sát, đánh giá tình trạng hoạt động hiện tại của các trạm tiếp phát lại; tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến các ngành, các cấp; tham khảo ý kiến của các chuyên gia và tìm giải pháp, hướng phát triển mới cho các trạm tiếp phát lại. Có như thế mới đảm bảo phát triển hệ thống phát thanh, truyền hình đồng bộ, hiệu quả đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân.

  • Huy Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhân sự mới   (30/07/2010)
Đại lễ Phật giáo chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội   (30/07/2010)
Công tác tuyên giáo luôn đồng hành với sự phát triển của Đảng bộ   (30/07/2010)
Ở một đơn vị làm tốt công tác tuyên giáo   (30/07/2010)
Ôn truyền thống, nghĩ về nhiệm vụ hôm nay  (30/07/2010)
Tổng kết 10 năm thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng - an ninh  (29/07/2010)
Tăng cường kiểm soát nguồn bệnh sốt rét ngoại lai  (29/07/2010)
Học phí công lập tăng thêm từ 5.000 đến 50.000 đồng/tháng  (29/07/2010)
Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp làm việc tại Bình Định  (29/07/2010)
Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng  (29/07/2010)
Bức xúc nhiều, thời gian ít  (29/07/2010)
Cần cân nhắc kỹ   (28/07/2010)
Những hy vọng gửi tới đại hội   (28/07/2010)
Nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu   (28/07/2010)
Vươn dậy Quy Nhơn   (28/07/2010)