Đã lâu lắm rồi, những người lính già mới lại hội tụ trong ngày kỷ niệm 65 năm truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Định. Họ là những cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn, huyện đội, tỉnh đội qua các thời kỳ trong chiến tranh, có mặt đông đủ tại hội trường Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh. Ai nấy ôm chầm lấy nhau, mừng vui khôn xiết.
|
Niềm vui của các cựu chiến binh trong ngày gặp mặt. Ảnh: Hồng Vân
|
Thiếu tướng Võ Phi Hồng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh gặp Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng và Đại tá Trần Đức Thắng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cứ nắm chặt tay mà lắc lắc: “Các chú giỏi quá!’’. Lời khen này cũng được ông nói trên bục giữa 300 khách mời. Nếu biết rằng, đã có nhiều cuộc hội thảo nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất, để rồi hôm nay ngày truyền thống của LLVT tỉnh được công nhận vào dịp 65 năm, thì mới biết rằng, lời ông nói không quá chút nào. Các ông Mai Xuân Diễn, Đinh Bá Lộc, Vũ Tấn Hạt, Nguyễn Kim Anh tuổi trên dưới 80, thế hệ tiền bối của LLVT tỉnh, bước đi khó nhọc, có người phải nhờ đến gậy, vậy mà khi gặp đồng đội, họ như trẻ lại, thân thiết hỏi han, tự hào nhắc lại những chiến công năm xưa, giọng sôi nổi chẳng khác nào ngày mai ra trận. Ông Nguyễn Thanh Lành, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 93 âu yếm quàng vai các cán bộ của mình là ông Trương Trong và Nguyễn Hồng Quang mà đã lâu chưa được gặp lại. Họ cùng nhớ về một thời chia lửa cho nhau, về ngày đơn vị thành lập cấp tốc trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Đêm 31.3, các Tiểu đoàn 8, 9 và 17 của Trung đoàn đã cùng các lực lượng tiến công giải phóng Quy Nhơn, sau đó đánh tan lực lượng còn lại của Sư đoàn 22 ngụy. Trung đoàn với nòng cốt là con em Bình Định sau này đi làm nhiệm vụ trên mọi miền đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế luôn làm vẻ vang truyền thống quê hương.
Xen lẫn các màu áo thường phục và quân phục, có một cựu chiến binh mặc trang phục Bana, ngực lấp lánh huân chương. Ông là Đinh Sinh, nguyên chính trị viên huyện Vĩnh Thạnh. Hỏi ông nghĩ gì về ngày gặp mặt, ông nói thật lòng: “Đã lắm! Hôm nay được gặp đồng đội, thật mừng. Tuy đã chuyển ngành nhưng mình luôn là người lính tiên phong, về hưu vẫn tham gia nhiều công tác ở địa phương. Ngày xưa mình không biết chữ, Quân đội cho ăn học, rèn luyện trưởng thành, những gì mình làm bây giờ đã thấm vào đâu…”. Ông Hồ Thanh Nhàn, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 50 bùi ngùi nhớ tới đồng đội đã từng chiến đấu và ngã xuống trong những năm tháng ác liệt: “Ai bảo sợ tiếng nổ, chớ lúc ấy với chúng tôi nghe súng nổ nghĩa là biết mình còn sống. Ai mong mặt trời lên, chứ lúc đó chỉ mong trời mau tối để di chuyển đội hình. Nhớ nhất là sau khi ký Hiệp định Pa-ri 1973, bọn địch lật lọng nổ súng. Chúng tôi cắm cờ trên cây dừa xã Cát Khánh, Phù Cát xác định phân giới không cho chúng lấn đất, giành dân. Tối cắm, ngày hôm sau chúng bắn gãy cờ, tối lại treo, 34 ngày đêm bền bỉ như thế, chúng phải thua… Nhớ nhất trận đánh vào 2 chi đoàn xe M113 thuộc thiết đoàn 19 ở Mỹ Chánh tháng 6.1974, ta phục kích bắn cháy 12 chiếc buộc chúng phải bỏ ý định tái chiếm. Chiến công này cổ vũ rất lớn các địa phương”.
3 anh hùng LLVTND về gặp mặt lần này nhận sự quan tâm đặc biệt. Có người sờ nắn bàn chân trái của anh hùng Nguyễn Kim, hỏi thăm có còn đau. Ít ai nghĩ rằng người lính có vóc dáng nhỏ nhắn ấy lại có hành động phi thường. Lần đó, ở mũi chính đội hình đại đội Đ10 đặc công tỉnh đánh vào trụ sở xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ, ông ôm bộc phá lao lên, bất ngờ dẫm phải bàn chông sắt. Mặc cho mũi chông cắm phập bàn chân, ông vẫn mang luôn nó vượt qua lớp hàng rào, đặt bộc phá, xong trận đánh mới nhờ đồng đội nhổ bàn chông ra giúp. Anh hùng Thái Anh Kia lặng lẽ trong niềm vui đồng đội. Nhiều người nắm bàn tay gầy gò của ông và nói rằng, đây chính là đôi bàn tay thần kỳ đã từng cứu chữa trên 400 thương binh, ba lần bị thương bao giờ cũng băng bó cho đồng đội trước rồi mới tự băng bó mình. Đây cũng là bàn tay cầm súng hạ trên 100 tên địch… Anh hùng Võ Thị Huy, con chim én nhỏ dũng cảm từng làm những tên ác ôn khiếp sợ năm nào bây giờ trông thật trang nhã trong lễ phục nữ quân nhân mới được Bộ CHQS tỉnh may tặng. Chị khiêm tốn hòa trong đội hình của những người có nhiều công lao xây đắp nên truyền thống LLVT tỉnh.
Đại tá PGS-TS Hồ Quốc Thúc, nguyên Trưởng phòng đào tạo Học viện Lục quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 có lẽ là người quyến luyến nhất bên đồng đội mình. Chỗ nào cũng thấy bóng dáng ông. Bay từ TP Hồ Chí Minh ra, ông cho rằng mình đã có một ngày 19.7 thật ý nghĩa. Buổi sáng dự gặp mặt ở Bộ CHQS tỉnh, buổi chiều dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống LLVT tỉnh do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức. Ông tâm đắc nhất bức trướng mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định tặng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh với dòng chữ “Trung thành, đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, quyết thắng”. Ông tâm sự: “Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ rất hạnh phúc. Chỉ mong sao mình luôn khỏe mạnh để có dịp lại hội tụ bên nhau như hôm nay!”.
|