Ý thức rõ về tiềm năng của mình, nhiệm kỳ qua (2005-2010), Hoài Ân đã phát huy lợi thế về đất đai, đồng thời quan tâm thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là chăn nuôi, trồng rừng, đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Một trong những kết quả nổi bật của huyện trong 5 năm qua là đã hạ tỉ lệ hộ nghèo từ trên 30% (năm 2005) xuống còn dưới 10% (2010). Đánh giá về kết quả này, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Cần, nói: “Hoài Ân là huyện trung du miền núi, vị trí địa lý không thuận lợi, kinh tế còn nặng thuần nông, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, vì thế, việc hạ tỉ lệ hộ nghèo như trên là một sự cố gắng lớn của huyện”.
|
Một góc thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) hôm nay. Ảnh: Võ Chí Hà |
Để có được kết quả tích cực trên, lãnh đạo huyện đã kết hợp nhiều giải pháp. Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2010, huyện đã tạo điều kiện cho trên 6.000 lượt hộ nghèo vay trên 76,6 tỉ đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 364 hộ có nhà đơn sơ; đào tạo nghề cho 1.200 lao động, trong đó trên 75% tìm được việc làm; hàng năm có 1.600 lao động có việc làm.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với kết quả đem lại là nhiều công trình trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng như: hồ Hóc Chùa (xã Ân Hảo Tây), cầu vượt lũ Phong Thạnh (thị trấn Tăng Bạt Hổ), tuyến giao thông Mộc Bài - Mỹ Thành, T4, T5 - Gò Dũng (xã Bok Tới), dự án di giãn dân tránh lũ thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín), dự án định canh định cư tập trung Gò Dũng, kè chống xói lở Tân Xuân (xã Ân Hảo Tây), tiếp tục bê tông hóa trên 38km đường giao thông nông thôn… cũng là một yếu tố góp phần đưa đời sống người dân đi lên.
Sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án 134, 135 và lồng ghép các chương trình khác với số vốn trên 51 tỉ đồng mà Hoài Ân nhận được trong 5 năm qua đã góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo 3 xã miền núi của huyện (với 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số Bana và H’rê) và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 3,12% tổng số hộ toàn huyện) đã giảm đáng kể: từ 62,4% (2005) xuống còn 28,9% (2009).
Song song với việc thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, việc hướng dẫn người dân tộc thiểu số cách làm ăn cũng được quan tâm. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, 3 cán bộ huyện tăng cường chuyên trách công tác xóa đói giảm nghèo ở 3 xã miền núi Bok Tới, Ân Sơn và Đăk Mang đã góp phần tích cực trong việc hướng dẫn bà con cách làm ăn. Không chỉ thế, họ còn giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số thay đổi các tập tục, thói quen lạc hậu trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày.
Dẫu vậy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Cần tâm sự, với Hoài Ân bây giờ và sắp tới, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo vẫn là khâu “mắc” nhất trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bởi kết quả giảm nghèo thời gian qua của huyện vẫn chưa được coi là bền vững. Điều này liên quan đến vốn, kỹ thuật, trình độ lao động và cả tập quán lạc hậu của đồng bào người dân tộc thiểu số. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hơn nữa về đất đai, chuyển giao tiến bộ KHKT, giải quyết việc làm cho người dân. Việc tuyên truyền để xóa dần những tập quán lạc hậu trong sản xuất, lối sống, nghiên cứu những cách tuyên truyền sao cho dân dễ nhớ, dễ hiểu, chịu làm, kết hợp với cầm tay chỉ việc cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh. Điều đó đòi hỏi, ngoài sự chỉ đạo chung của lãnh đạo huyện còn phải có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các ban, ngành, đoàn thể...” - đồng chí Nguyễn Cần nói - “…Dân Hoài Ân bây giờ, không làm biếng thì không đói, song làm giàu thì khó. Nhưng thế kỷ 21 rồi, đâu phải chỉ ăn no là đủ...”. Có lẽ đó là nỗi trăn trở lớn và cũng không riêng gì của lãnh đạo mà của chung người dân miền trung du này.
|