50 năm nghĩa nặng tình sâu
19:53', 5/8/ 2010 (GMT+7)

Đã lâu lắm rồi, mỗi lần nghe ca khúc “Lời ca dâng Bác” của nhạc sỹ Trọng Loan tôi lại nhớ những bài học lịch sử về mối tình Bắc – Nam keo sơn: “Ai yêu Miền Nam như tấm lòng Miền Bắc có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt như tấm lòng Miền Bắc hướng về Miền Nam. Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình…”. Đất nước ta những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đã có bao nhiêu mối tình Bắc – Nam như thế, để hôm nay trong ngày tháng bình yên này những người năm cũ cùng ngồi lại bên nhau ôn kỷ niệm. Và trong không khí phủ dày sắc màu quá vãng hào hùng ấy, thế hệ trẻ chúng tôi như cũng rưng lây niềm xúc động, tự hào…

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, cùng với các phong trào thi đua rất có hiệu quả trong các ngành và các hội, đoàn thể, nhân dân miền Bắc còn tổ chức nhiều phong trào "Vì miền Nam ruột thịt" đậm nghĩa tình Bắc - Nam mang lại những hiệu quả thiết thực, trong đó nổi bật nhấtphong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các tỉnh, thành phố miền Nam. Phong trào ấy đã động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; Học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Cũng từ đó các tỉnh, thành phố kết nghĩa đã nhận con em miền Nam tập kết về nuôi dưỡng đồng thời cung cấp cán bộ cho các tỉnh miền Nam khi có yêu cầu. Trong phong trào chung ấy, Hà Tĩnh đã kết nghĩa với Bình Định, mối quan hệ này không chỉ phát huy tác dụng trong thời kỳ kháng chiến mà còn mở ra một mối tình thâm giao, hữu hảo cho tương lai.

Như một mối tơ duyên từ tiền kiếp, thuở vua Quang Trung trên đường từ Nam ra Bắc dẹp giặc đã dừng chân ở Hà Tĩnh tìm gặp La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp xin ý kiến về việc đánh giặc Mãn Thanh. Ít lâu sau đó Nguyễn Thiếp trở thành vị quân sư lỗi lạc giúp vua trị nước. Tuy quãng thời gian đồng hành giữa 2 nhân vật lịch sử không dài nhưng sự kiện đó như một dấu mốc ghi nhớ về mối “tơ duyên” giữa 2 miền quê hương. Đến thế kỷ XX, trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Thống nhất Trung ương, ngày 16 tháng 3 năm 1960, tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Chỉ thị 06 về việc Hà Tĩnh kết nghĩa với Bình Định. Chỉ thị nêu rõ yêu cầu của cuộc vận động: “Tăng cường tình đoàn kết rộng rãi, nâng cao tình thương yêu giai cấp, chí khí căm thù giặc, yêu nước thương nòi, đùm bọc giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng XHCN; Đồng bào Hà Tĩnh phối hợp đấu tranh kịp thời và thương xuyên với đồng bào miền Nam để chống bè lũ Mỹ - Diệm, tăng cường quân sự chuẩn bị chiến tranh, chống  các kế hoạch khủng bố càn quét của địch…; Nâng cao ý thức đấu tranh thống nhất, biến căm thù thành hành động thực tế trong sản xuất, trong học tập…”. Ngay sau đó, 8 huyện, thị của Hà Tĩnh đã kết nghĩa với 8 huyện, thị của Bình Định nhằm tăng cường mối tình gắn bó Bắc – Nam và sức mạnh tổng hợp. Việc kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị sau đó đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tích cực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.

Cùng với sự ra đời của Tiểu đoàn pháo cao xạ Bình Hà do đồng chí Nguyễn Đức Mai (một người con Bình Định tập kết ở Hà Tĩnh) làm Tiểu đoàn trưởng, quân dân Hà Tĩnh còn triển khai nhiều phong trào vì Bình Định mang lại hiệu quả cao. Với sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ, đại đội Bình Hà đã làm nên chiến thắng Núi Nài bắn rơi nhiều máy bay Mỹ (26-3-1965), sau đó Hà Tĩnh đã phát động phong trào "Phát huy chiến thắng 26-3, Bình Hà quyết thắng". Năm 1966, Hà Tĩnh phát động chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn (tên một huyện phía Bắc tỉnh Bình Định trước đây) trong toàn tỉnh suốt các tháng hè. Chiến dịch đã đào đắp 10 triệu m3 đất, cải tạo bờ vùng, bờ thửa cho 25.000 ha đất trồng trọt, nhờ đó các loại giống mới năng suất cao được đưa vào gieo trồng, Hà Tĩnh tiến gần hơn đến mục tiêu 5 tấn/ha nhằm cung cấp lương thực cho Bình Định và chiến trường miền Nam. Từ chiến dịch ấy đã có trên 2 vạn người được công nhận "Dũng sĩ Bồng Sơn" các cấp và có một khối phố ở phường Nam Hà mang tên Bồng Sơn. Kết quả đó không chỉ tăng thêm tình cảm đoàn kết Bình Định - Hà Tĩnh và tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt mà còn khẳng định một nhiệm vụ kép của Hà Tĩnh – vừa là tiền tuyến của miền Bắc vừa là hậu phương của miền Nam. Năm 1968, huyện Kỳ Anh - đơn vị kết nghĩa với huyện Phù Cát - đã phát động làm công trình thủy lợi Hoài Châu (một địa danh ở Bình Định)… Ngoài ra, mỗi lần giặc Mỹ tàn sát nhân dân Bình Định thì nhân dân Hà Tĩnh đều tổ chức mít tinh biểu tình chống đối, hoặc mỗi lần Bình Định thắng lợi là nhân dân Hà Tĩnh lại phát động phong trào thi đua lập công hướng về trong đó. Bà  Lê Thị Vọng – nguyên là Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi thời ấy nào có biết Bình Định ở đâu, cũng chưa một lần được gặp gỡ bà con trong đó nhưng cùng với nhiều lực lượng, phụ nữ chúng tôi đã cống hiến hết mình, vượt qua gian khó vừa sản xuất vừa chiến đấu, một người làm việc bằng hai, một hoa ba tốt… hướng lòng mình về đồng bào Bình Định đang bị giặc đánh phá”. Tuy ký ức của bà cụ 90 tuổi vệt còn vệt mất nhưng cũng đủ để chúng tôi hình dung về những ngày tháng làm việc chiến đấu không biết mệt mỏi của các bà, các mẹ, của quân và dân Hà Tĩnh. Họ dẫu chưa gặp gỡ nhưng đều một lòng hướng về Bình Định thân thương, lấy hành động thay cho lời nói với tình cảm thật hồn hậu và đằm sâu.

Mùng 7 tháng 8 này Hà Tĩnh - Bình Định sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày kết nghĩa tại thành phố Quy Nhơn. Đó là sự nhắc nhớ về nghĩa tình trong quá khứ và củng cố thêm mối tình nhân dân 2 tỉnh thời hiện đại. Lớp trẻ chúng tôi lại có cơ hội được gặp gỡ nhiều hơn những nhân vật của thời kỳ ấy để hiểu rõ hơn những việc làm và tình cảm gắn bó của nhân dân 2 tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Chương – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thời kỳ ấy năm nay đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” nhưng với trí nhớ mẫn tiệp cũng đã “dựng” lại cho chúng tôi những năm tháng lịch sử hào hùng và thân thương ấy bằng giọng nói miền Nam thiết tha mang chút âm sắc Hà Tĩnh mặn nồng. Ông cho rằng: “Trong các cuộc vận động vì miền Nam ruột thịt ở tỉnh ta hồi đó, chưa có cuộc vận động nào có hiệu quả lớn và thấm vào lòng dân sâu sắc như cuộc vận động kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhân dân 2 tỉnh tuy ít gặp gỡ nhưng tình cảm lại rất bền chặt, lời nói dành cho nhau rất ít mà việc làm gửi trao nhau lại nhiều”. Thật vậy, trong những năm tháng chiến tranh oanh liệt đó, để đáp ứng sức người, sức của, nhiều cán bộ, chiến sỹ quê hương Bình Định đã ra tập kết tại Hà Tĩnh và đóng góp tài trí của mình cho sự nghiệp cách mạng ở đây đồng thời Hà Tĩnh cũng có rất nhiều con em tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Bình Định chiến đấu và lập công lớn. Thiếu tá Diệp Anh Tuấn – một trong những người con Hà Tĩnh năm xưa chiến đấu dũng cảm ở Bình Định kể lại: “Năm 1965 tôi chính thức về Bình Định công tác tại đơn vị An ninh vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Bình Định, với nhiệm vụ ấy tôi và đồng đội đã nhiều lần cứu các đồng chí cán bộ tỉnh ủy ra khỏi vòng vây của địch. Đặc biệt, trong quá trình chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi đã nhiều lần trực tiếp cõng các đồng chí là cán bộ tỉnh ủy Bình Định vượt khỏi vòng hiểm nguy”. Năm 1983 Thiếu tá Diệp Tuấn Anh nghỉ hưu rời Bình Định về quê nhà, từ đó đến nay, tri ân công lao của ông, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nhiều lần ra Hà Tĩnh thăm và mời ông vào định cư ở Bình Định. Đặc biệt nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín – người được ông cứu sống nhiều lần đã thường xuyên ra Hà Tĩnh thăm ông còn tặng ông quyển nhật ký công tác của mình. Mặc dù quyết định sẽ sống những năm tháng cuối đời ở quê nhà nhưng thiếu tá Diệp Anh Tuấn vẫn luôn hướng lòng mình về phương Nam nơi có những kỷ niệm trẻ trai anh dũng của mình. Tôi hiểu rằng, chính những con người ấy, với tình cảm đằm sâu ấy đã tô đậm thêm mối tình sắt son, keo sơn gắn bó giữa Hà Tĩnh với Bình Định.

Ngày nay, với những điều kiện mới, thời cơ mới, các thế hệ tiếp nối của 2 miền đất đang viết tiếp những trang sử mới trong mối thâm giao của mình. Tin rằng nhân dân 2 tỉnh sẽ đồng tâm đồng lòng, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển.

  • Anh Hoài
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (05/08/2010)
Kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới   (04/08/2010)
Bài học từ sự đồng thuận   (04/08/2010)
Sắc mới trên miền trung du   (04/08/2010)
SPELL tiếp tục hỗ trợ trên 53.000 USD cho năm học 2010-2011  (04/08/2010)
Thêm 4 hài cốt liệt sĩ được đưa vào nghĩa trang   (04/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoài Ân lần thứ XXIII  (04/08/2010)
Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo  (04/08/2010)
Nghĩa tình Bình - Hà: mỗi con người mỗi câu chuyện  (04/08/2010)
Nông thôn sẽ là “thị trường” tiêu thụ các loại xe hết đát?  (03/08/2010)
Phá vụ án tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ trái phép  (03/08/2010)
Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện  (03/08/2010)
Gắn với dân giữ bình yên tuyến biển  (03/08/2010)
Tiến hành kiểm tra, thanh tra 1.485 cơ quan, đơn vị, cá nhân  (03/08/2010)
Khai mạc Đại hội Đảng bộ Bộ đội biên phòng tỉnh lần thứ X  (03/08/2010)