Người Hà Tĩnh ở Bình Định: 50 năm ấy bây giờ là đây…
20:44', 6/8/ 2010 (GMT+7)

50 năm, thời gian dài quá nửa đời người, những người con Hà Tĩnh đã vào Bình Định theo diện tăng cường cán bộ cho tỉnh anh em kết nghĩa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước và trong năm 1975, nhiều người đã “neo” lại ở mảnh đất quê hương thứ hai này…

* 50 năm ấy...…

Năm 1964, khi chưa tròn 18 tuổi, chàng trai Phan Văn Hội từ quê nhà (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xung phong lên đường nhập ngũ và được đưa vào Bình Định. Ngày 23.9.1965, khi tham gia trận đánh ở đèo Phú Cũ (Hoài Nhơn) ông bị thương nặng, sau đó được về điều trị ở Bệnh xá K200. Năm 1966, ông về Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, dạy học cho người dân và tham gia công tác thanh niên. Tại nơi này, ông đã được kết nạp Đảng và được một gia đình địa phương nhận làm con nuôi. Tháng 2.1969, ông bị địch bắt, đưa ra nhà tù Phú Quốc, đến năm 1973 mới được trao trả tự do ở tỉnh Tây Ninh. Đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Hội xin về Bình Định công tác vì “đã quen với vùng đất này, nơi có nhiều bạn bè và người mẹ nuôi”. Ông công tác trong ngành LĐ-TB&XH đến ngày về hưu. “Bình Định, nơi tôi đã gắn bó gần hết cả cuộc đời. Nơi tôi cũng có một gia đình chẳng khác gì gia đình ruột thịt của mình. Ngày ba má nuôi tạ thế, tôi cũng đứng ra lo liệu như người con cả trong nhà…”- ông Hội nói. Hai trong số ba người con đã trưởng thành của ông, đều làm việc tại TP Quy Nhơn.

 

Mối lương duyên Bình Định- Hà Tĩnh ngày càng gắn bó hơn khi có người nên vợ nên chồng với người Bình Định.

- Trong ảnh: Gia đình ông Hội (thứ 3 từ phải sang) trong ngày vui của con trai ông, lấy vợ là người Bình định.

 

Cũng đến Bình Định từ năm 1965, là bác sĩ Nguyễn Phát Tường, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bình Định. Ông Tường quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông vào chiến trường Bình Định theo diện tăng cường bác sĩ cho tỉnh kết nghĩa anh em. “Tôi vẫn không thể quên được kỷ niệm 3 người chúng tôi đã ăn hết 4 cân thịt heo ngay sau khi đến chợ Long Định (Hoài Ân); những cây dừa trụi lá, xác xơ như những cột nhà cháy bởi chất độc hóa học….”- ông Tường bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Bình Định. Ông hầu như đã đi khắp các chiến trường Bình Định để chăm sóc thương binh, đào tạo cán bộ y tế ở cơ sở.  Ông đã nhiều lần may mắn thoát chết trong gang tấc. “Lẽ ra, sau 5 năm công tác tại chiến trường, tôi trở ra Hà Nội học tiếp. Nhưng, cuối cùng thì Bình Định đã “níu” tôi lại khi tôi cưới được một cô vợ rất xinh người Tây Sơn. Âu cũng là duyên số…”- ông Tường hóm hỉnh. 30 năm ở Bình Định, ông chia làm 3 giai đoạn: 10 năm công tác ở chiến trường, 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Vệ sinh phòng dịch và 10 năm làm cán bộ quản lý ở Sở Y tế.

* Bây giờ là đây...…

Trong kháng chiến chống Mỹ và sau ngày giải phóng đất nước, nhiều người con Hà Tĩnh đã được chi viện cho tỉnh kết nghĩa Bình Định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có người về lại quê, cũng có người tình nguyện ở lại lập nghiệp trên quê hương thứ hai này. Ông Lê Viết Hải, nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh, là một trong những cán bộ an ninh ở Hà Tĩnh được đưa vào tăng cường cho an ninh tỉnh kết nghĩa Bình Định tiếp quản sau giải phóng từ tháng 4.1975, nhớ lại: “Trong số 19 anh em công an được tăng cường vô Bình Định, nhiều người đã trở về quê, có 4 người ở đây. Để tập hợp những người con Hà Tĩnh lại với nhau, chúng tôi thành lập hội đồng hương…”.

Năm 1996, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định được thành lập, hoạt động theo quy ước: “Xích lại gần nhau; giúp nhau khi hoạn nạn, mừng nhau lúc thành công; động viên các gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Hội cũng làm tốt công tác khuyến học, tặng thưởng, hỗ trợ cho con em là học sinh giỏi, có thành tích trong học tập”.

Đất lành chim đậu, hiện nay có khoảng 320 hộ gia đình người Hà Tĩnh (khoảng hơn 1.000 nhân khẩu) sinh sống trên đất Bình Định, công tác trong nhiều ngành nghề khác nhau. Có người thành công trong một số lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ những thế hệ đầu tiên, nay đã tiếp nối các thế hệ F1, F2 của người Hà Tĩnh đã được sinh ra, lớn lên trên quê hương thứ hai này. Mối thâm tình càng đào sâu bám rễ hơn khi có người nên vợ nên chồng với người Bình Định.  

  • Hoàng Lan
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu làm việc tại Bình Định   (06/08/2010)
Lãnh đạo Bình Định - Hà Tĩnh dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung  (06/08/2010)
50 năm nghĩa nặng tình sâu  (05/08/2010)
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (05/08/2010)
Kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới   (04/08/2010)
Bài học từ sự đồng thuận   (04/08/2010)
Sắc mới trên miền trung du   (04/08/2010)
SPELL tiếp tục hỗ trợ trên 53.000 USD cho năm học 2010-2011  (04/08/2010)
Thêm 4 hài cốt liệt sĩ được đưa vào nghĩa trang   (04/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoài Ân lần thứ XXIII  (04/08/2010)
Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo  (04/08/2010)
Nghĩa tình Bình - Hà: mỗi con người mỗi câu chuyện  (04/08/2010)
Nông thôn sẽ là “thị trường” tiêu thụ các loại xe hết đát?  (03/08/2010)
Phá vụ án tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ trái phép  (03/08/2010)
Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện  (03/08/2010)