Cách đây 50 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn cam go nhất, miền Bắc đã dồn sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “Tất cả cho đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Để tăng cường sức chiến đấu cho đồng bào miền Nam và chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương mỗi tỉnh ở miền Bắc tổ chức kết nghĩa với một tỉnh ở miền Nam. Hà Tĩnh đã kết nghĩa với Bình Định. Với tôi, mối lương duyên Bình – Hà đã hằn sâu vào ký ức.
* Đánh giặc gan lì
Khi tôi lên rừng theo kháng chiến, hình ảnh các anh bộ đội quê Hà Tĩnh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên.
|
Đoàn đại biểu tỉnh ủy Bình Định và huyện ủy Hoài Nhơn ra thăm đại đội Hoài Nhơn- tiểu đoàn Bình - Hà (Hà Tĩnh) ngày 2.4.1969. Ảnh: Phan Thoan |
Năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược vào quân địch trên khắp chiến trường miền Nam, trong đó chiến trường Bình Định là một mặt trận chính, ta giải phóng hoàn toàn 2 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và phía bắc huyện Phù Mỹ. Trước ngày chiến dịch nổ ra, đơn vị tôi được tăng cường nhiều quân nhân quê Hà Tĩnh.
Hầu hết các anh là những người rất trẻ, chưa có gia đình, được học hành tử tế. Cuối năm đó, đơn vị chúng tôi được cấp trên giao đánh chiếm căn cứ Đề Gi (Phù Cát) của địch. Tuy nhiên, trận đánh không thành, chúng tôi tạm lui ra ngoài củng cố và chốt giữ các vùng lân cận. Tại đó, hàng ngày chúng tôi nống lấn, tái chiếm lại những vùng mới giải phóng. Các trận đánh cứ kéo dài, quân ta thương vong nhiều, quân bổ sung không kịp, một số anh em trong đơn vị xuất hiện tư tưởng không dám tiến công địch. Nhưng các đồng chí quê Hà Tĩnh thì rất kiên cường, chiến đấu liên tục, cả tháng ròng, người này hy sinh (hoặc bị thương) thì người khác động viên nhau tiếp tục chiến đấu. Đám lính trẻ quê Bình Định chúng tôi lâu nay đánh giặc kiểu du kích, gặp địch thì tắc cù, trúng trật tính sau, lo thoát thân. Lần này, thấy các anh quê Hà Tĩnh được huấn luyện chính quy, đánh nhau bài bản, dũng cảm, gan lì, coi chuyện hy sinh nhẹ tựa lông hồng làm cho anh em đơn vị tôi rất xúc động, coi đó như liệu pháp, để củng cố tinh thần. Nhờ đó, những trận sau, anh em trong đơn vị chiến đấu rất hiệu quả.
* Sẻ chia tri thức
Năm 1975, tôi được phân công tiếp quản Trung tâm văn hóa Quy Nhơn (Bảo tàng tổng hợp tỉnh hiện nay) lấy nơi này làm Thư viện tỉnh. Đây là một kiến trúc do quân đội Nam Triều Tiên thiết kế và xây dựng dành cho hoạt động văn hóa với nhiều chức năng như phòng đọc sách, phòng chiếu phim (hoặc biểu diễn văn nghệ), nơi triển lãm hình ảnh.
Khi tiếp quản cơ sở này, ta tịch thu được một số sách nhưng hầu hết là sách chỉ có thể đưa vào kho lưu trữ. Một mặt thì thiếu sách đưa ra phục vụ nhân dân, mặt khác thiếu chuyên môn kỹ thuật nên loay hoay mãi, chúng tôi vẫn không cách nào làm cho ra hình hài của một thư viện như ý cấp trên giao. Tháng 8.1975, nhận được thông báo: Hà Tĩnh sẽ giúp Bình Định xây dựng thư viện tỉnh, chúng tôi mừng khôn xiết!
thông báo chưa được tuần lễ thì đã có ngay một xe sách cùng với 2 cán bộ chuyên môn vào giúp Bình Định xây dựng Thư viện tỉnh. Các cán bộ thư viện Hà Tĩnh đã tận tâm cầm tay chỉ việc, hướng dẫn anh chị em Bình Định về công tác chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. Đó là bác Phú và anh Trần Văn Tứ (anh Tứ tình nguyện ở lại, sau này được bổ nhiệm Phó giám đốc thư viện Bình Định). Ngay sau đó, Bình Định còn nhận được khoảng trên 6.000 bản sách từ Hà Tĩnh gửi vào. Mỗi tên sách nhiều nhất là 3 bản, ít nhất là 1 bản, phổ biến là 2 bản. Số sách này được đóng bìa cứng rất trang trọng và cho vào hòm sắt, có khóa bảo vệ được gom góp từ ngày có Chỉ thị Hà Tĩnh kết nghĩa với Bình Định. Cứ mỗi lần bổ sung sách cho Thư viện Hà Tĩnh thì cũng đồng thời bổ sung sách cho “Thư viện Bình Định” (dù chưa có trên thực tế). Chúng tôi thầm biết ơn và hết sức cảm kích nghĩa cử cao đẹp này của nhân dân Hà Tĩnh. Để thể hiện sự biết ơn, lúc đầu Thư viện Bình Định lấy tên là Thư viện Bình – Hà cho đến khi Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi thì đổi thành Thư viện Nghĩa Bình.
Giờ đây, đã sau 35 năm, Thư viện tỉnh Bình Định đã trở thành một trong những thư viện có kiến trúc, quy mô hoạt động, số sách, số độc giả… vào loại hàng đầu cả nước. Đó là niềm tự hào chung của 2 tỉnh, một chứng tích hùng hồn của sự kết nghĩa keo sơn, gắn bó.
|