Hoạt động nổi bật của Hội LHPN Hoài Ân là đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo và giúp nhau trong hoạn nạn.
|
Phụ nữ thôn An Chiểu (Ân Phong, Hoài Ân) chăm sóc rau trên chân ruộng 1 vụ, cho thu nhập khá. Ảnh: Võ Chí Hà
|
* Giúp nhau thoát nghèo
ChË Nguyễn Thị Liên - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hoài Ân - nhận định, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội thì hoạt động phụ nữ giúp nhau làm kinh tế thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng chú ý.
Trong 5 năm qua (2005-2010), Hội LHPN Hoài Ân đã huy động mọi nguồn lực trong các tầng lớp phụ nữ nhằm đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình, khơi dậy tiềm năng to lớn, sức sáng tạo và tinh thần nhân ái, tạo nên phong trào phụ nữ giúp nhau mạnh mẽ về vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất. Từ đây, xuất hiện nhiều hình thức giúp nhau thoát nghèo đa dạng, hiệu quả.
Hội LHPN huyện tranh thủ khai thác nhiều nguồn vốn hỗ trợ hội viên. Nếu năm 2005 chỉ có 2.761 chị vay gần 17,4 tỉ đồng thì 5 năm sau, số người vay đã là 12.400 lượt với tổng số vốn vay là hơn 60 tỉ đồng. Song song đó, các CLB phụ nữ giỏi nghề nông, CLB nữ doanh nhân cực nhỏ cũng được thành lập nhằm thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.
Để giúp một số hội viên nghèo không dám vay vốn, hội phụ nữ các xã, thị trấn thành lập tổ tiết kiệm tương trợ, cho mỗi chị mượn từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để mua phân, giống. Cũng có khi các chị giúp nhau bằng cách cho mượn con giống. Bình quân, số tiền quay vòng cho mượn ở các nhóm tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng hàng năm là trên 628 triệu đồng, giúp cho 2.870 lượt chị được vay, mượn giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài hình thức tiết kiệm giúp nhau, phụ nữ Hoài Ân còn xây dựng quỹ tình thương giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ. Quỹ này được duy trì 5 năm qua và đã giúp cho hơn 3.100 phụ nữ nghèo là chủ hộ trên 2 tỉ đồng, 47 con bò giống, trong đó có 615 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, phong trào thực hành tiết kiệm nuôi “heo đất nghĩa tình” và “hũ gạo tình thương” hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hội viên phụ nữ cũng đã thu được 21 triệu đồng và 1,2 tấn gạo giúp 56 chị có hoàn cảnh khó khăn.
Từ thực tế sinh động của phong trào, đã xuất hiện những gương điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Hiệp (thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu), với mô hình vườn rau, nuôi heo, làm lúa giống cho HTX, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng; chị Đinh Thị Chuyền (Ân Tường Tây) chăn nuôi; chị Trần Thị Tình (Ân Nghĩa) nuôi hươu lấy nhung..., góp phần không nhỏ vào việc xây dựng gia đình no ấm. Hay chi hội phụ nữ thôn Vĩnh Đức (Ân Tín) thành lập CLB nghề chằm nón, có 35 thành viên, tạo điều kiện cho 15 chị vay 84 triệu đồng và góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống này, đồng thời giúp nhiều chị có thu nhập khá. Không những thế, chi hội còn xây dựng 3 tổ tiết kiệm tương trợ, huy động trên 60 triệu đồng, giúp cho 72 lượt chị mượn đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phong trào tương thân tương ái vượt qua khó khăn, hoạn nạn cũng được nhiều phụ nữ Hoài Ân hưởng ứng. Ở xã Ân Thạnh có chị Nguyễn Thị Hồng đau nặng kéo dài, 5 năm qua được Hội LHPN xã giúp thường xuyên 100 ngàn đồng/tháng. Hay chị Trần Thị Dung (thôn Đức Long, Ân Đức) giúp chị Nguyễn Thị Bình có con bị bệnh tim, gia đình khó khăn tiền, ngày công lao động và heo giống trị giá hàng triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Phú Văn 2, Ân Thạnh) giúp chị Nguyễn Thị Nga có hoàn cảnh khó khăn 2 con bò giống và tiền...
* Đòn bẩy của phong trào
Đến nay, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và giúp nhau trong hoạn nạn đã lan rộng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện (trong đó có 3 xã miền núi với 100% dân số là người Bana và H’rê). Không dừng lại ở đó, phong trào này đã tác động đến các mặt hoạt động khác của Hội, đưa phong trào phụ nữ Hoài Ân ngày càng phát triển.
Theo chị Nguyễn Thị Liên - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hoài Ân - khi kinh tế phát triển, cuộc sống “dễ thở” hơn, các chị tham gia hội họp đông đủ. Ngược lại, các buổi sinh hoạt lồng ghép nội dung phát triển kinh tế như: chuyển giao KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp I hóa giống lúa, cho vay vốn phát triển chăn nuôi... lại thu hút đông đảo chị em tham gia. Từ việc thụ động tiếp nhận các thông tin trên, đặc biệt các xã vùng cao, các chị đã chủ động bày tỏ nguyện vọng được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các CLB khuyến nông, khuyến lâm, CLB gia đình hạnh phúc, CLB gia đình không sinh con thứ 3...
Cũng từ đó, các chị có điều kiện thuận lợi để đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút càng đông phụ nữ đến với tổ chức Hội. Vào những dịp 8.3, 20.10, 18.6 (ngày gia đình Việt Nam), một số hội viên ở các chi hội tập hợp sinh hoạt theo nhóm, có tổ chức hát karaoke và ăn uống. Hay chi hội phụ nữ Ân Mỹ, Ân Tường, Ân Thạnh, Ân Hảo, mỗi khi tổ chức sinh hoạt đều kèm theo chương trình văn nghệ và các hội viên đóng góp thêm kinh phí để thuê nhạc cụ và nhạc công.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Phương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân - thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vay vốn, thành lập các tổ phụ nữ tương trợ, tiết kiệm tín dụng nhằm huy động vốn nhàn rỗi; khai thác vốn các dự án; đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... để giúp hội viên phát triển kinh tế hơn nữa. Ngoài ra, Hội cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tránh trường hợp hội viên vay vốn lãi suất cao từ “tín dụng đen”...
|