Nhờ những nỗ lực, chung sức của cộng đồng, hàng ngàn người nghèo mù lòa trên địa bàn tỉnh đã tìm thấy được ánh sáng.
* Niềm vui
Đợt mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể vừa rồi, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Bình Định đã gặp một trường hợp khá đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Đức Bình, ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Nhà rất nghèo, mắt ông Bình bị mù do bệnh đục thủy tinh thể kèm biến chứng lệch thủy tinh thể do bom (cũng vì lý do này, ông Bình bị cụt 1 chân). Ca phẫu thuật được các bác sĩ hội chẩn là rất khó, nhưng đã an toàn, sau mổ, mắt ông Bình sáng ổn định và được bệnh viện cho xuất viện. Tuy nhiên, khi về nhà được vài ngày, bên mắt vừa mổ của ông Bình bị chấn thương do tay đập vào, gây biến chứng viêm màng bồ đào và xuất huyết tiền phòng nặng. Phải mất 15 ngày nằm viện, mắt ông Bình mới ổn định trở lại.
|
Nhiều bệnh nhân mù nghèo tưởng đã phải an phận với bệnh tật đến cuối đời thì nay đã bừng lên hy vọng sau khi được phẫu thuật thay thủy tinh thể. |
Mới đây, Bệnh viện tổ chức đợt tái khám cho những bệnh nhân đã được mổ trước đó ngay tại Trạm y tế xã Nhơn Thành. Kết quả kiểm tra 21/25 bệnh nhân đều sáng mắt, người có thị lực thấp nhất 2/10, còn lại từ 4/10 trở lên và cao nhất là 9/10. Bên mắt mổ của ông Bình rất tốt. Ông xúc động: “Mấy hôm trước không đi tái khám được, tui cứ sợ bác sĩ quở. Tui cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm. Bây giờ tui đã nhìn rõ lắm. Giá như cái chân lành lặn thì tui có thể làm được nhiều việc rồi”.
Căn bệnh của tuổi già khiến họ khốn khổ: đi đứng, làm việc gì cũng phải nhờ con, nhờ cháu, mặc dù các cụ, các bác vẫn còn mạnh chân, khỏe tay. “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Có nhiều người tưởng phải an phận với bệnh tật đến cuối đời, hy vọng chợt bừng lên sau khi được phẫu thuật thay thủy tinh thể. Vì thế, đối với những bệnh nhân nghèo bị mù lòa, những lần phẫu thuật mắt miễn phí không chỉ là cơ hội để họ tìm thấy ánh sáng mà còn hơn cả là niềm vui được làm người có ích.
Còn nhớ một bệnh nhân nam ngoài 70 tuổi, sau lần mổ mắt tìm thấy ánh sáng, đùa vui rằng, giá như ở nhà có cái đầu đĩa để hát karaoke thì hay biết mấy!
Hay trường hợp bà Đào Thị Phương, 72 tuổi, ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, vẫn không thể tin nổi là còn có ngày được nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh. “Tui mừng quá, bác sĩ mổ được hai ngày thì mắt bên phải của tui sáng đến giờ luôn. Bây giờ, tui đã tự xỏ kim, chằm nón, nuôi 4 con heo. Chứ hồi trước xỏ kim cũng nhờ thằng cháu ngoại, chiều nào hai bà cháu cũng tranh thủ ăn cơm trước 5 giờ chiều, cực lắm! - bà Phương tâm sự.
|
Ông Nguyễn Đức Bình đang được nhân viên y tế thử lại mắt sau lần được các bác sĩ bệnh viện Mắt Bình Định mổ miễn phí. |
* Còn 4,1% biến chứng
Hiện nay, mù lòa là một vấn đề sức khỏe đã và đang được ngành y tế cũng như cộng đồng đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, tỉ lệ người mù lòa chiếm khoảng 1,25% dân số và 7,3% dân số có thị lực thấp hơn 1/10 và khoảng 25,6% dân số mắc các bệnh nhiễm trùng về mắt.
Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Với bệnh này, để càng lâu thị lực ngày càng giảm và không can thiệp sớm sẽ bị mù vĩnh viễn. Theo các bác sĩ, hầu hết các nguyên nhân chính gây ra chứng mù lòa cho mắt, đều có thể được ngăn chặn bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng tích cực.
Nhiều năm nay, với sự chung sức của cả cộng đồng, ngành Y tế Bình Định đã mổ miễn phí hàng ngàn bệnh nhân mù nghèo. Theo các bác sĩ, phẫu thuật đục thủy tinh thể thường thành công, hơn 90% người thay thủy tinh thể có cải thiện thị lực sau phẫu thuật. Tỉ lệ mù do biến chứng sau phẫu thuật thay thủy tinh thể được các bác sĩ ghi nhận ở Việt Nam là 4,1%.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, cho biết: “Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải giữ vệ sinh thật tốt chống nhiễm khuẩn. Trong lương tâm, khi làm công tác từ thiện nhân đạo chúng tôi đều mong muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Biến chứng và rủi ro trong phẫu thuật là vấn về không thể tránh khỏi, nếu có, bệnh viện sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho người bệnh. Do vậy, chúng tôi cũng cần có sự chia sẻ của cộng đồng và sự cộng tác của người bệnh khi phẫu thuật”.
Đáng nói là có tới 35% người mù do đục thủy tinh thể không biết bản thân bị bệnh hoặc có thể chữa được. Đa phần người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Và rất nhiều người trong số đó không biết mình bị đục thủy tinh thể mà nếu biết, cũng cho rằng đó là bệnh không thể điều trị khỏi. Vì thế, khi bệnh nhân vào viện giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực.
|