Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2010, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trong tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng, với 1.186 trường hợp (trong đó, 558 SXH Dengue và 628 sốt Dengue), đặc biệt có 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng hơn 50%, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 20,6%.
Số bệnh nhân ngày càng có xu hướng tăng, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn, các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước… Hiện nay, một số địa bàn ở huyện Hoài Nhơn có số bệnh nhân nghi ngờ và mắc SXH trên cùng địa bàn thôn, khối phố khá cao. Dù đã có hơn 60 ổ dịch nhỏ xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, nhưng đến thời điểm này, Bình Định chưa có vụ dịch SXH xảy ra trên quy mô cấp xã.
Kết quả giám sát huyết thanh của Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định tại thành phố Quy Nhơn và 8 huyện (Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân) cho thấy, trong số 146 mẫu huyết thanh xét nghiệm Elisa thì có 79 mẫu dương tính, chiếm 54,10% và 27 mẫu gửi phân lập thì có 4 mẫu dương tính 2 typ DI, 2 typ DII đều ở thành phố Quy Nhơn. Kết quả giám sát côn trùng theo trọng điểm SXH (48 lượt/8 điểm) và theo chỉ điểm dịch tễ (108 lượt/59 điểm), cũng phát hiện chỉ số côn trùng gây bệnh tại Bình Định khá cao, dự báo dịch SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát dịch trên diện rộng từ nay đến cuối năm 2010.
Tình hình ca bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh nặng tăng cao, nguy cơ xảy ra dịch trên diện rộng và tăng số ca tử vong. Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là triển khai ngay chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường có số bệnh nhân tăng. Đồng thời có sự phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chiến dịch diệt loăng quăng hiệu quả, đảm bảo loại trừ các ổ chứa bọ gậy.
Về chuyên môn kỹ thuật tăng cường thu thập mẫu huyết thanh xét nghiệm Elisa và phân lập vi-rút gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thực hiện tốt việc giám sát các chỉ số côn trùng…
Hỏi:
Con tôi đã từng mắc sốt xuất huyết (SXH), vậy sau này cháu có bị lại không? Tôi có nghe bác sĩ bảo bệnh chỉ kéo dài 7 ngày, qua thời gian này là hết bệnh, có đúng không?
(Hoàng Ngân, huyện Hoài Nhơn)
Trả lời:
SXH không phải là bệnh miễn dịch suốt đời. Vi-rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp huyết thanh. Cơ thể của con chị chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với 1 týp vi-rút cháu vừa mắc, nên cháu vẫn có thể mắc SXH trở lại.
SXH là bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn), sống ngay trong nhà hoặc chung quanh nhà, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch (lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa…). Nếu nơi chúng ta ở có muỗi vằn sinh sống và có người mang vi-rút Dengue thì khả năng lây bệnh SXH là rất cao, đặc biệt là trẻ em. Bệnh có thể lây thành dịch, nhất là vào mùa mưa. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là “diệt muỗi, loăng quăng, ngừa muỗi chích”.
Bệnh nhân mắc SXH thường sốt 2 - 7 ngày. Triệu chứng nguy hiểm có thể tử vong là sốc trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Nếu trẻ đã bệnh qua ngày thứ 7, hết sốt được 48 giờ mà không cần dùng thuốc hạ nhiệt, trẻ tươi tỉnh hơn, biết chơi và đòi ăn trở lại thì gia đình có thể yên tâm.
. BS. Nguyễn Thị Mộng Hòa
(Trung tâm Truyền thông - GDSK) | |