Huyện Vĩnh Thạnh có 9 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn; dân số gần 30.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 8.563 người, chiếm 28,9%. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, phong tục tập quán vẫn còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi song hiệu quả không cao, đời sống còn khó khăn.
Sau khi có Nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng Chương trình hành động về dân tộc và miền núi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nuôi trồng thủy sản… Huyện đã đề ra Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với nhiều chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm cụ thể: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.
|
Gia đình bá Sa ở làng Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh đã mua sắm máy cày để làm đất sản xuất. Ảnh: X.Dũng |
* Kết quả bước đầu
Nhờ đó, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế trang trại ở miền núi cho thu nhập mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng được áp dụng có hiệu quả. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Đến nay có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường học và trạm xá đáp ứng yêu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc...
Cùng với việc chăm lo cho đời sống của đồng bào, huyện đã triển khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí khu tái định cư cho đồng bào Bana các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn. Bên cạnh Chương trình 135, trong năm qua Chương trình 134, Nghị quyết 30a đã thu được kết quả ấn tượng với kết quả xóa nhà tạm cho 305 hộ nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cùng với sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình giải quyết việc làm… đã tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo, nhất là đối với các làng vùng cao khó khăn.
Nhìn chung, Chương trình 135 và 134 đã giải quyết được những khó khăn bức xúc ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần làm cho diện mạo nông thôn miền núi khởi sắc. Nhờ có nguồn lực đầu tư thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, kết hợp với các nguồn lực khác trên địa bàn nên tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 6-7%.
Sự nghiệp văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các công trình công cộng, hệ thống trường học, trạm y tế không ngừng được đầu tư mở rộng; công tác đào tạo nghề cho thanh niên là người dân tộc thiểu số được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi được chú trọng, có 100% đồng bào các dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các trạm y tế đang được xây dựng kiên cố, 100% số thôn, làng có nhân viên y tế phục vụ, các loại dịch bệnh đã được ngăn chặn và đẩy lùi. Mạng lưới vô tuyến viễn thông đã phủ kín đến các xã trên địa bàn huyện; công tác bảo tồn bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy, các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm tiếp tục được khôi phục và phát triển, hầu hết các làng đều xây dựng được nhà rông theo mô hình truyền thống…
* Hướng đến mục tiêu: giảm nghèo bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Một số công trình đầu tư ở miền núi sau khi đưa vào khai thác sử dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn; cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Giáo dục và y tế miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là xây dựng, nâng cao năng lực cho con người tại chỗ. Đến nay, tỉ lệ đói nghèo ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao và chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng. Bên cạnh đó còn có những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tái định cư ở một số công trình thủy điện. Tư tưởng bảo thủ, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và đồng bào các dân tộc.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân khác làm cản trở công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là do trình độ dân trí của bà con còn thấp. Chính vì dân trí thấp nên người nghèo không nắm được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được dự án hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo.
Do đó, muốn xóa đói, giảm nghèo thành công cho đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Vĩnh Thạnh phải tập trung nâng cao trình độ dân trí, coi đó là điều kiện để xóa đói giảm nghèo bền vững. Trước hết, phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách văn hóa, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong cuộc chiến chống đói nghèo để mỗi người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
|