Việc chú trọng công tác vận động quần chúng luôn được các cấp chính quyền ở tỉnh ta rất quan tâm, đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương. Trong đó xã Tây Xuân (Tây Sơn) được biết đến như một “địa chỉ” của công tác “dân vận khéo”.
Bộ máy chính quyền xã và thôn được kiện toàn đã thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành ở địa phương. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức được lưu ý theo hướng “gần dân, trọng dân”; khi giải quyết công vụ thực hiện cơ chế “một cửa” không gây phiền hà, sách nhiễu công dân. Các sự việc liên quan đến những vấn đề bức xúc trên địa bàn và những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền luôn thực hiện nguyên tắc công khai cho dân biết các kế hoạch, dự án để dân tham gia thảo luận, góp ý và đồng tình thực hiện hiệu quả. Ví dụ nhân dân tham gia đóng góp trên 12 km đường bê tông nông thôn, cấp phối trên 10 km đường liên thôn, liên xóm; tham gia tích cực việc giám sát các công trình xây dựng phúc lợi như: trường học, chợ, đài truyền thanh...
|
Một cơ sở sản xuất gạch ngói ở Phú An, xã Tây Xuân (Tây Sơn). |
Nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ dân, chính quyền đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp nông - lâm nghiệp gắn với tiểu - thủ công nghiệp và dịch vụ, nhờ vậy, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm trên 2%. Cùng với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ là một thế mạnh ở địa phương. Từ chỗ hàng trăm lò sản xuất gạch ngói nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, xã đã vận động chủ cơ sở di dời vào địa điểm quy hoạch tập trung (làng nghề sản xuất gạch ngói Phú An). Ông Trần Văn Dũng, chủ một cơ sở sản xuất gạch ngói, bộc bạch: “Khi chính quyền địa phương có chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, tôi hưởng ứng ngay. Vì đây là việc làm cần thiết để cộng đồng không ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Đến nơi sản xuất tập trung, tôi đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng và giải quyết gần 100 lao động địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng”. Để có 50 ha đất quy hoạch mở rộng làng nghề cho 220 cơ sở hoạt động, chính quyền địa phương đã thuyết phục, vận động nhân dân chuyển nơi ở và được nhân dân đồng thuận; không có tình trạng khiếu nại về việc đền bù hoa màu và giải phóng mặt bằng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Đến nay, đã có 94,4% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và hai làng văn hóa là Phú An và Phú Hòa. Nhân dân đã đồng tình ủng hộ và đóng góp gần 100 triệu đồng vào các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”... để hỗ trợ gia đình chính sách, hộ khó khăn. Chất lượng các hoạt động văn hóa, truyền thanh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đã phủ sóng phát thanh của đài truyền thanh xã trên 95% số thôn. Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 3,75%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương được giữ vững (98% số vụ, việc mâu thuẫn được giải quyết từ cơ sở). Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tuyến núi, vùng giáp ranh được phát động rộng rãi trong quần chúng và xã đã được Bộ Công an tặng Bằng khen về phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ông Lê Thấu, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho biết: “Để làm tốt công tác dân vận, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội. Thông qua các tổ chức đoàn thể, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các cuộc vận động ở địa phương đã được quán triệt trong nhân dân một cách hiệu quả. Ngoài ra, chính quyền cũng đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tất cả các chương trình, kế hoạch về phát triển KT-XH ở địa phương đều được bàn bạc, thảo luận công khai để nhân dân biết, góp ý. Những bức xúc cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chính quyền đều cố gắng giải quyết kịp thời”.
Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh lãnh đạo các đoàn thể
Theo Quy định số 294-QĐ/TW, ngày 23.3.2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh có nhiệm vụ lãnh đạo các đoàn thể như sau:
- Lãnh đạo xây dựng các đoàn thể trong khối vững mạnh, hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của các đoàn thể. Lãnh đạo trực tiếp Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khối doanh nghiệp tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.
- Lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người lao động để thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, của nhà đầu tư. Động viên, khuyến khích tạo điều kiện để các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng và quản lý doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp.
Quy định số 294-QĐ/TW còn ghi rõ: Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; giữ nghiêm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ vững đoàn kết nội bộ. Chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên có biểu hiện vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. | |