Cuối tháng 4.2010, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho hai liệt sĩ: Trần Văn Bình, nguyên Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Lê Phi Hùng, nguyên ủy viên Ban cán sự huyện 45 (Chư Prông- Chư Păh), phụ trách công tác tuyên huấn. Hai liệt sĩ này đều là người con của quê hương Bình Định.
* Bí thư Tỉnh ủy kiên trung
Liệt sĩ Trần Văn Bình sinh năm 1922, tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Ngay từ nhỏ ông đã theo cha tham gia các hoạt động bí mật tại địa phương, tháng 4.1945, được vào tổ chức tự vệ sắt và Hội thanh niên cứu quốc của xã, đến ngày khởi nghĩa - Cách mạng Tháng 8.1945 là ủy viên Ban quân sự xã Nhơn Hưng. Đầu năm 1950, ông là ủy viên Thường vụ Huyện ủy (khóa II), ủy viên kháng chiến hành chính huyện An Nhơn, sau đó được điều lên công tác Tây Nguyên. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông ở lại nắm tình hình và xây dựng phong trào quần chúng ở tỉnh Gia Lai, làm Bí thư Ban cán sự khu 8 (An Khê). Tình hình An Khê thời gian này hết sức khó khăn, địch tăng cường đánh phá cơ sở cách mạng, dựng nên các tổ chức phản động ngày đêm lùng sục, bắt bớ những người kháng chiến, tìm giết cán bộ của Đảng, thực hiện âm mưu “tố cộng”, “diệt cộng”. Vừa củng cố tổ chức, ông vừa mở rộng xây dựng cơ sở cách mạng trong cả vùng Kinh và vùng dân tộc thiểu số với những biện pháp và phương châm đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng khối đoàn kết Kinh - Thượng, tập trung mũi nhọn chống phá mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; phong trào cách mạng ở An Khê được giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành một địa bàn tiêu biểu trong phong trào đồng khởi năm 1960 của tỉnh Gia Lai.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ nhất (12.1959) ông là Tỉnh ủy viên; từ 1961-1963 là ủy viên Thường vụ, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Gần 10 năm liên tục trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông cùng với tập thể Đảng bộ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở địa phương, góp phần đưa phong trào cách mạng của tỉnh từng bước vượt qua mọi sóng gió, giành nhiều thắng lợi, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch trên địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình là một trong những cán bộ lãnh đạo tiêu biểu trong sự nghiệp chiến tranh giải phóng trên mảnh đất Gia Lai kiên cường.
Ngày 18.4.1974, do bị bệnh hiểm nghèo, ông đã từ trần tại khu căn cứ của tỉnh, được công nhận là liệt sĩ.
* Người cộng sản bất khuất
Đồng chí Lê Phi Hùng sinh năm 1927, tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 18 tuổi, ông tham gia khởi nghĩa cách mạng tại địa phương, năm 1949 tình nguyện lên Gia Lai gia nhập Trung đoàn 120, hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên, làm đội phó kiêm bí thư chi bộ của đội vũ trang, hoạt động vùng Tây Nam thị xã Pleiku, đây là vùng trắng không có cơ sở từ ngày quân Pháp tái chiếm đóng Tây Nguyên. Tại đây, ông đã xây dựng được trên 30 làng đồng bào Jrai có cơ sở cách mạng. Giữa năm 1950 đến tháng 7.1954, ông được bổ sung vào Thường vụ Ban cán sự huyện Pleikon, phụ trách đội vũ trang công tác xây dựng cơ sở cách mạng vùng Đăk Đoa – Hà Bầu (nay là huyện Mang Yang), ông cùng đồng đội xây dựng vùng Đăk Đoa thành vùng có phong trào cách mạng, có cơ sở rộng trong các làng, kể cả các làng theo đạo Công giáo. Từ 1954 đến 1959, trên cương vị Bí thư Ban cán sự khu 8 (nay là huyện An Khê) ông đã vận động quần chúng nhân dân ở huyện An Khê nổi dậy đấu tranh chính trị hàng chục cuộc, được tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, có cuộc tập trung được 5.000 quần chúng (năm 1955).
Tháng 8.1955, ông bị bắt nhưng đã dũng cảm và khéo léo vượt ngục, tìm về với đồng đội và tiếp tục công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy. Giữa năm 1960, ông là ủy viên Ban cán sự huyện 45 (Chư Prông – Chư Păh), phụ trách công tác tuyên huấn.
Tháng 10.1960, một đêm trên đường đi công tác, ông lọt vào ổ phục kích, bị địch bắn bị thương và bắt đem về giam tại quận Thanh An. Ông đã anh dũng vượt qua mọi thử thách ác liệt, giữ vững và bảo vệ cơ sở, bảo vệ tổ chức, nêu cao khí tiết người cộng sản trước quần chúng, làm cho kẻ thù phải khâm phục và khiếp sợ.
Bất lực trước khí phách ngoan cường của ông, kẻ thù hèn hạ chặt tay chân, rồi mổ bụng, moi gan, chặt đầu và treo lên cây cổ thụ, không cho nhân dân chôn cất. Liệt sĩ Lê Phi Hùng đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần bất khuất của người đảng viên cộng sản, để lại trong lòng đồng chí, đồng đội, người dân địa phương lòng tiếc thương, khâm phục…
(Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) |