Ngày 13.8 vừa qua - ngày Canh Liên hòa lưới điện quốc gia, chấm dứt việc dùng điện máy nổ- là thời điểm đáng nhớ đối với người dân trong xã nói riêng và huyện Vân Canh nói chung. Cùng với sự phát triển về kinh tế, 5 năm qua, những tiến bộ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi này.
|
Những tiến bộ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Vân Canh. - Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình tặng quà Tết cho người dân làng Canh Phước (xã Canh Hòa) Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Việc khánh thành và đưa vào sử dụng công trình lưới điện trung - hạ áp ở Canh Liên hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy xã vùng cao này phát triển hơn. Cũng như trước đó, bắt đầu từ năm học 2008-2009, với sự ra đời hai ngôi trường: THCS bán trú Canh Thuận và THPT Vân Canh, chuyện học hành của học sinh các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Vinh đã trở nên dễ dàng hơn bởi trường gần nhà và phù hợp điều kiện tiếp thu của các em, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Và tác động của điều này, không gì hơn là nâng cao mặt bằng dân trí cho người dân địa phương.
Những đổi thay tích cực về văn hóa - xã hội những năm qua đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Giáo dục - đào tạo đã phát triển về quy mô và từng bước cải thiện về chất lượng. Năm học 2009-2010, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn của huyện là 99,68%, tăng hơn 20% so với năm học 2005- 2006. Song song đó, chất lượng giáo dục cũng tăng lên, với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân là 75,4%/năm. Vân Canh cũng đã làm tốt công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, hiện đang triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục THPT.
Về y tế, đến nay, ngoài Trung tâm y tế huyện với quy mô 60 giường điều trị nội trú, được trang bị các thiết bị hiện đại, 7/7 trạm y tế xã, thị trấn đều đã có bác sĩ phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Đi đôi với việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng ở Vân Canh tiếp tục được cải thiện. Nếu như 5 năm trước, Vân Canh chỉ có 1 làng văn hóa cấp tỉnh và một số làng khác đang đăng ký xây dựng làng văn hóa cấp huyện, thì nay, con số đó là trên 54% làng, thôn được công nhận làng văn hóa (trong đó có 6 làng, thôn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh), 81,25% khu dân cư được công nhận khu dân cư tiên tiến, trên 96% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Việc tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã giúp người Bana, Chăm, Kinh, Thái ở Vân Canh có cơ hội nhìn rõ lại mình, để nỗ lực hơn trong những cố gắng bắt nhịp với cuộc sống mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, giữ gìn và phát huy; các biểu hiện văn hóa thiếu lành mạnh dần được xóa bỏ.
Thực hiện công tác dân tộc và miền núi, huyện cũng đã triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Hiện nay, có 100% làng, thôn trong huyện có điện, trong đó có 80% làng, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia; có 90% làng, thôn có công trình nước sinh hoạt. Số lượng nhà xây kiên cố, xe máy, các phương tiện nghe, nhìn… cũng tăng nhanh; đời sống của đồng bào được nâng cao hơn trước.
Sự cố gắng vươn lên từ nội lực, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đã mang lại cho huyện miền núi Vân Canh những kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện còn 38,37%, giảm 25,5% so với năm 2005 là một trong những minh chứng cho điều đó.
Nói về những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội địa phương mình, Phó Chủ tịch UBND huyện La Mai Ngọc Bích tâm đắc: “Bây giờ, hầu hết các thôn, làng ở Vân Canh đều có trường tiểu học, mẫu giáo, thu hút trẻ em đến trường. Điều đó đã tác động mạnh mẽ vào việc nâng cao mặt bằng dân trí. Những năm qua, kinh tế huyện phát triển, mặc dù chưa được như đồng bằng nhưng đã giúp người dân quan tâm hơn đến văn hóa - xã hội. Ngược lại, văn hóa - xã hội phát triển tác động trở lại, giúp nâng cao đời sống người dân”.
|