Trong những năm qua, người dân huyện miền núi Vân Canh đã tập trung khai thác đất đồi, đất vườn để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng. Những vùng đất hoang hóa đã thành những ao cá, vườn cây mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Huyện đã xóa được hộ đói, giảm dần hộ nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
|
Nông dân ở Vân Canh chuẩn bị cây giống để trồng rừng. Ảnh: N.Phúc
|
Trong 5 năm qua, hàng ngàn ha đất kém hiệu quả hoặc bỏ hoang trên địa bàn huyện được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nhiều vùng đồi núi trọc chuyển sang trồng rừng, trồng cây đặc sản, tạo ra bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông-lâm nghiệp. Có thể nói, kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng phát triển đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển mạnh.
Điều đáng quan tâm là kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng phát triển đã mở ra hướng làm ăn mới, hình thành một đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều chủ trang trại đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Từ 69 trang trại với diện tích 849 ha năm 2005 đến nay đã tăng lên 80 trang trại với diện tích 1.300 ha. Bình quân hàng năm các trang trại đã tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ khoảng 8,735 tỉ đồng; kinh tế trang trại và kinh tế vườn đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho một bộ phận nhân dân (năm 2005 giải quyết việc làm cho 466 lao động, năm 2010 giải quyết việc làm cho 794 lao động). Mục tiêu mà huyện đặt ra từ nay đến năm 2015 là cả huyện có khoảng 85 trang trại với diện tích 1.400 ha; bình quân hàng năm các trang trại tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ khoảng 10 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.
Theo ông Huỳnh Chút, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, chủ trương phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng của huyện ngày càng thu hút được sự quan tâm của nông dân, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển và ổn định KT-XH ở địa phương. Thời gian tới huyện tập trung đầu tư phát huy lợi thế đặc thù của ba vùng trọng điểm, trong đó mỗi vùng đều lấy việc phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng làm nòng cốt. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng có hiệu quả…
|