Sau 6 năm phối hợp triển khai thực hiện Quyết định 19/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm”, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Đồng chí Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tặng quà cho trẻ em đang sống tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội. Ảnh: L.A
|
Triển khai chương trình này, UBND tỉnh có Kế hoạch 04/KH-UB và Quyết định 224/QĐ-UB phê duyệt 4 đề án: Tuyên truyền vận động và nâng cao năng lực quản lý Chương trình “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang (TELT), trẻ em bị xâm hại tình dục (TEBXHTD) và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm” (gọi tắt là Chương trình 19); Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng TELT; Ngăn ngừa và giải quyết TEBXHTD; Ngăn ngừa và giải quyết trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2004-2010.
Chương trình 19 được Trung ương và tỉnh đầu tư kinh phí hơn 2 tỉ đồng (mỗi năm 300-400 triệu đồng). Nhờ có nguồn kinh phí ổn định, hàng năm Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch triển khai, phân bổ kinh phí, hướng dẫn nội dung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động cho các địa phương, đơn vị. Ưu tiên bố trí kinh phí cho các xã, phường, thị trấn có TELT và có nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ lang thang, lao động kiếm sống. Đề án đã chú trọng tới công tác tuyên truyền vâïn động trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền trực tiếp cho người dân, nhất là với nhóm trẻ em có nguy cơ để thấy tác hại của việc bỏ nhà đi lang thang, lao động kiếm sống và những rủi ro, nguy hiểm đối với trẻ em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Tổ chức các đợt tuyên truyền về quyền và bổn phận của trẻ em đã được Luật BVCS&GD trẻ em và Công ước Liên Hiệp Quốc quy định, thông qua các hoạt động truyền thông nhóm, diễn đàn, tư vấn cho 168 lượt xã, phường, thị trấn. Tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật BVCS&GD trẻ em cho hơn 100 liên đội các trường học, thu hút hàng chục ngàn em tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Nhờ vậy năm 2005, tỉ lệ TELT giảm 38%, đến năm 2007 mức giảm tăng lên 78% và năm 2010, đạt mức giảm 80%. Có trên 50% TELT hồi gia không tái lang thang được Chương trình hỗ trợ học văn hóa, học nghề tìm việc làm ổn định cuộc sống; gia đình có TELT được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Về TEBXHTD, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ngăn chặn và giáo dục răn đe có hiệu quả. Các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, xử lý nghiêm minh. TEBXHTD được Chương trình cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, được điều trị các tổn thương về tâm lý và được cấp sách vở, đồ dùng học tập tiếp tục đi học.
Có hơn 500 trẻ em phải lao động sớm, thường thì do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em bỏ học để lao động giúp đỡ gia đình, nhiều em làm thuê, phụ việc gia đình, bán vé số, đánh giày…, chỉ có một số ít em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm như tham gia khai thác đá xây dựng, phụ hồ, làm gạch, đi bạn trên thuyền... Hầu hết số trẻ em bỏ học, lao động sớm được hỗ trợ học nghề như: may, mộc dân dụng, điện tử, sửa xe, đan mây. Nhiều em sau học nghề đã tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, việc trợ giúp ổn định cuộc sống lâu dài cho các em và gia đình các em vẫn còn nhiều bất cập nên nguy cơ trẻ em tái lang thang, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải bỏ học lao động sớm còn đang tiềm ẩn và sẽ trở thành hiện thực nếu ngành chức năng và cộng đồng thiếu những giải pháp tích cực, bền vững.
|