Những năm qua, Đảng bộ xã Nhơn Lộc (An Nhơn) đã tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 59-CT/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, nhằm phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong việc tập hợp, vận động nông dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
|
Những ngày nông nhàn, người nông dân ở Nhơn Lộc chọn làm nghề phụ đan đát để kiếm thêm thu nhập.
- Trong ảnh: 2 nông dân ở thôn Đông Lâm vót nan tre đan rổ cá. Ảnh: Q.K |
Đảng bộ xã Nhơn Lộc hiện có 145 đảng viên, đang sinh hoạt ở 15 chi bộ trực thuộc, trong đó có 6 chi bộ thôn. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân, Đảng ủy xã đã tăng cường lãnh đạo củng cố tổ chức, đa dạng hóa hình thức tập hợp nông dân. Hiện nay, toàn xã có 3 câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả như: Câu lạc nông dân phát triển ở thôn Cù Lâm, gồm 31 thành viên; Câu lạc bộ vỗ béo bò thôn Cù Lâm, 32 thành viên và Câu lạc bộ kinh tế trang trại thôn An Thành, 21 thành viên. Nhờ đó, năm 2009 có hơn 500 hộ nông dân đạt “sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân được quan tâm đúng mức. Hội Nông dân đã tín chấp cho nông dân vay vốn 120 dự án giải quyết việc làm, phát triển làng nghề với tổng kinh phí gần chục tỉ đồng; xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng, vượt 10 triệu đồng so với chỉ tiêu huyện giao.
Hệ thống tổ chức Hội Nông dân từ xã đến thôn, xóm được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Qua đánh giá xếp loại năm 2009, có 5/6 chi hội đạt vững mạnh xuất sắc, tỉ lệ tập hợp nông dân vào tổ chức đạt hơn 96% tổng số hộ; Hội Nông dân xã đạt vững mạnh xuất sắc. Hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần giúp Nhơn Lộc vươn lên là xã dẫn đầu về phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 6%/ năm, bình quân mỗi hecta canh tác đạt 60 triệu đồng/năm. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, cấp I hóa giống trên 98% diện tích, có 30% diện tích sản xuất lúa lai và diện tích sản xuất lúa giống đủ cung cấp cho nông dân. Năng suất các loại cây trồng không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước; năm 2009, năng suất lúa bình quân đạt 68 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 10,6%/năm. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, toàn xã có 21 trang trại tổng hợp và 1 trang trại chuyên sản xuất các loại cá giống nước ngọt.
Sản xuất CN-TTCN phát triển khá, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21%. Các ngành nghề truyền thống được khôi phục, toàn xã có 26 cơ sở sản xuất gạch ngói, 1 làng nghề nấu rượu Bầu Đá với 500 hộ, 1 làng nghề tráng bánh tráng với 200 hộ và hàng trăm hộ làm nghề đan rổ tre. Nhiều mô hình trang trại tổng hợp, nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, nuôi gà, nuôi cá trong ruộng lúa… có hiệu quả. Thương mại-dịch vụ phát triển khá đồng bộ, đã đầu tư kinh phí xây dựng chợ trung tâm và chợ gia súc xã; khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh phát triển thành đại lý cấp I cho các công ty lớn, mua 200 máy cày kéo, máy gặt lúa và gần 50 xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển mạnh. Từ năm 2001 đến nay, ngân sách xã và nhân dân đã đóng góp gần 12 tỉ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; Nhơn Lộc cũng là xã đầu tiên của huyện An Nhơn thực hiện chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn. Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa hơn 33 km đường giao thông và 2,5 km kênh mương nội đồng; xây dựng 6 trụ sở thôn gắn với điểm sinh hoạt văn hóa; đầu tư lắp đặt máy phát sóng FM 100W của Đài truyền thanh xã 230 triệu đồng. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí, thông tin liên lạc, điện sản xuất, sinh hoạt của nhân dân được bảo đảm.
Những kết quả trên, đã góp phần xây dựng Đảng bộ Nhơn Lộc 5 năm liền đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, 3 năm liền có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
(Đài TT An Nhơn) |