Trên các nẻo đường làng, thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc xe thồ cũ kỹ chở lỉnh kỉnh rọ heo, ngồi trước tay lái là những người đàn ông nước da ngăm ngăm, chăm chú cần mẫn chở những chuyến heo về cho đại lý. Họ là những người chở heo thuê.
|
“Thợ” chở heo tập kết heo về đại lý của bà Lê Thị Mân ở Gò Cau (thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân).
|
1.
Các hộ nuôi heo thường nằm rải rác ở nhiều ngõ ngách, xóm làng. Vì vậy, các đại lý thu mua heo phải nhờ vào lực lượng xe thồ chở heo chuyên nghiệp len lỏi vào từng con đường làng để chuyển heo về. Mỗi đại lý thu mua heo thường có khoảng 4 đến 6 thợ chở heo thường trực, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Ở khu vực Hoài Ân, Hoài Nhơn người nuôi heo nhiều, việc buôn bán heo diễn ra tấp nập nên nghề này cũng “ăn nên làm ra”.
Buổi sáng, khi đại lý thu mua thỏa thuận xong giá cả với người bán, những người chở heo có mặt với mấy chiếc rọ sau xe. Bằng những thao tác nhà nghề, họ bắt heo vào rọ rất nhanh gọn. Anh Đặng An, ở Hoài Tân (Hoài Nhơn) đã hơn 15 năm lăn lộn trong nghề, cho biết: “Bắt heo phải khéo léo, nhiều con nhát tung nhảy, dễ bị gãy chân, mỗi chân gãy bị chủ đền 200 ngàn đồng. Những ngày đầu vào nghề cũng gặp nhiều khó khăn, có khi bắt được con heo mất cả buổi sáng. Lâu dần, nghề dạy nghề nên giờ thấy bắt heo cũng dễ như ôm bao gạo vậy thôi”.
Những ngày trời nắng, dân chở heo càng phải khẩn trương, bắt heo xong phải chở đi giao càng sớm càng tốt, vì nắng dễ làm heo chết do mất nước. Để chống nắng, họ thường cột đá lạnh lên phía trên rọ để nước nhỏ xuống làm mát heo. Mùa mưa, không sợ nắng, người chở không cần vội, tuy nhiên đường lầy lội là sự cản trở. Anh An kể: “Nhiều khi xe chở nặng bị lầy không lên nổi, phải nhờ người đi đường đẩy giùm. Rồi chuyện bị té ngã, sẩy heo là bình thường. Những lúc ấy rất khó nhờ người giúp, vì heo thường dính phân bẩn và thối, nhiều người chỉ biết đứng nhìn heo chạy…”.
2.
Trên những con đường làng ngoằn ngoèo, những chiếc xe máy oằn lưng chở hơn tạ heo vẫn bon bon vượt qua những ổ gà, khúc cua hay vũng lầy trên đường. Khuôn mặt người chở heo vẫn thản nhiên như chạy trên đường bằng, bởi ngày nào họ cũng đi hơn chục chuyến, quen đường quen sá. Dẫu vậy, do chở nặng đôi lúc cũng gặp phải tình huống bất ngờ. Anh Hai Điền ở xã Nhơn Khánh (An Nhơn) kể: “Đang chạy trên đường mấp mô, thấy người quen chạy ngược đường vẫy chào, mình cũng giơ tay theo phản xạ, xe vấp ổ gà mất thăng bằng ngã ào xuống đường…”. Vất vả là thế nhưng trên “lãnh thổ” của mình, chỉ cần chủ đại lý “alô” là họ có mặt ngay.
Những chiếc xe chở heo cũng thuộc loại chuyên dụng, từ những chiếc Honda 67 hay Cup DH, thợ chở heo gia cố thêm yên xe chắc chắn bằng những thanh sắt, đôn nhún, đôn máy; lốp ruột xe lúc nào cũng phải bảo đảm an toàn, bởi có khi họ thồ cả hàng và người lên đến ba tạ. Anh Đông ở Hoài Ân tính nhẩm, mỗi năm ít cũng thay một bộ nhông xích, mòn ba chiếc lốp, còn ruột thì không đếm xuể. Lẩn quẩn ở trong làng nhưng mỗi ngày phải chạy từ 50 đến 100 cây số, chạy nhiều nên ít được tu sửa, nhiều chiếc chỉ còn sườn và máy, pô cũng rách nổ ầm trời nhưng máy thì rất khỏe.
Sau khi tập trung heo về, buổi chiều dân chở heo chỉ làm công việc giúp chủ đại lý đưa heo lên xe để chở đi. Tùy theo số lượng hàng, mỗi người được trả từ 80 đến 150 ngàn đồng mỗi ngày. Thu nhập tương đối cao nên ít người bỏ nghề. Tuy vậy, thu nhập từ nghề chở heo cũng phập phồng theo thị trường. Khi heo bị dịch tai xanh hay các dịch bệnh khác, thị trường ít tiêu thụ thì họ cũng “thất nghiệp” tạm thời. Khi thị trường hút hàng, họ lại quần quật từ sáng sớm.
|
Khi bắt, thả heo, người chở heo đều phải khéo léo để heo khỏi bị thương.
|
3.
Không phải hình ảnh ông “bảy đáp” ngày xưa mỗi ngày mổ một con rồi đem ra chợ bán, những người chở heo như những con kiến cần mẫn đến mọi ngóc ngách của chuồng trại để tập kết cho đại lý thu mua. Cái nghề đã khoác lên cơ thể họ một bộ “đồng phục đen” bởi nắng, bởi mưa, bởi công việc của họ thường trực theo những chuyến hàng. Màu đen sạm trên bộ “đồng phục” ấy đánh dấu tuổi nghề của mỗi người. Không quản nắng hay mưa, ngày nào cũng phải theo chân chủ thu mua, ở đâu trong ngõ xóm nghe tiếng eng éc, rồi những tiếng pô xe nặng nhọc nhả khói chính là họ. Mới 42 tuổi nhưng anh Bình (ở thị trấn Bồng Sơn) đã có hơn 25 năm trong nghề ngồi trước rọ heo, tâm sự: “Làm nghề chở heo phải đi nhiều, sương gió đã dãi dầu nên ai cũng khỏe mạnh, ít bị đau ốm lặt vặt. Người làm nghề này lúc nào cũng hôi mùi đặc trưng, chiều lại chỉ có anh em “cùng mùi” ngồi lại lai rai với nhau”.
Đi chở heo vào những ngày giá heo cao, chủ nhà có lãi nhiều sau chuyến xuất chuồng thường thết đãi xị rượu hay thùng bia. Chia sẻ niềm vui với gia chủ, những người chở heo cũng nán lại chuyến cuối có khi về nghiêng ngả. Khi heo rớt giá, nhất là vào những mùa dịch, chủ nhà rươm rướm nước mắt khi chuồng heo xuất đi để lại khoảng nợ vài chục triệu, họ cũng chia sẻ, động viên. Anh Bình kể: “Một lần đến mua hơn 1 tấn heo ở Hoài Đức, bà chủ nhìn chúng tôi chở heo đi mà đứng khóc ròng, lứa heo này bà lỗ hơn 10 triệu đồng, thấy thương họ nhưng mình cũng không biết làm gì!”…
|