Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa X, Đề án đề nghị công nhận thị trấn Bình Định mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4 đã được các đại biểu thông qua. Đây là cơ sở để lập Đề án thành lập thị xã An Nhơn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo ông Ngô Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý đô thị huyện An Nhơn, đường lên thị xã của huyện An Nhơn đang bước sang thời điểm thuận lợi. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, Đề án đề nghị công nhận thị trấn Bình Định mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4 sẽ được thuyết minh, bảo vệ ở Bộ Xây dựng và sau khi Bộ này công nhận, huyện sẽ lập Đề án thành lập thị xã An Nhơn để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu không có gì trở ngại thì thị xã An Nhơn sẽ ra đời trước quý II năm 2011. Tự tin trước diễn biến tốt đẹp này, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Nhơn lần thứ XXII đã nêu phương hướng: “Xây dựng An Nhơn trở thành thị xã có nền KT-XH phát triển toàn diện, bền vững theo hướng CNH-HĐH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…”.
|
Một góc trung tâm thị trấn Bình Định (An Nhơn). Ảnh: Bá Phúc |
Thực ra, giấc mơ trở thành thị xã của An Nhơn đã có từ lâu và An Nhơn từng đề ra chỉ tiêu phấn đấu lên thị xã trước năm 2010. Song con đường đi của Đề án thị trấn Bình Định mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4 đã không thuận lợi khi phạm vi thị xã trong đề án ban đầu chỉ có cụm thị trấn Bình Định và 4 xã dọc theo trục Quốc lộ 1A là Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Đập Đá và Nhơn Thành. Khu vực này cũng đã được quy hoạch chi tiết trong chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có tốc độ đô thị hóa cao, KT-XH phát triển toàn diện. Sau khi nhận ra khiếm khuyết của một thị xã chật hẹp và chủ yếu chỉ có vùng đô thị, An Nhơn làm lại từ đầu một đề án mà phạm vi đạt chuẩn đô thị loại 4 là cả huyện. Cùng với việc làm lại đề án, Đảng bộ và nhân dân An Nhơn đã khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phát triển KT-XH. Nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và có mặt phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 10,03%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm tỉ trọng 55,65% (năm 2005 là 46,4%). Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2010 đạt gần 16 triệu đồng, bằng 2,5 lần so với năm 2005. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị và nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt trên 597 tỉ đồng, tăng bình quân 12,25%/năm. Công tác quy hoạch xây dựng trung tâm các xã cơ bản hoàn thành. Trong 5 năm, đã có 225 dự án công trình về hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị và phát triển nông thôn được đầu tư xây dựng mới, với tổng số vốn đầu tư trên 201 tỉ đồng. Hệ thống cấp nước sạch cho các thị trấn, thị tứ Gò Găng và một số xã được đưa vào sử dụng. Đến nay, đã có trên 89% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 25% hộ dùng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch. Mạng lưới điện trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tỉ lệ hộ dùng điện đạt 99,8%. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển mạnh, đến nay đạt 29 máy điện thoại/100 dân và đã có 2.739 tổ chức và cá nhân kết nối mạng internet.
Đối chiếu theo quy định, An Nhơn đã đạt 84,52 điểm trên thang điểm 100, đủ tiêu chuẩn đề nghị cấp thẩm quyền công nhận đô thị mở rộng đạt chuẩn đô thị loại 4.
Có thể nói, chưa bao giờ tốc độ đô thị hóa ở An Nhơn diễn ra nhanh và mạnh như những ngày này. Các khu dân cư: Đường Thanh Niên, Vĩnh Liêm (thị trấn Bình Định); Khu đô thị mới Đập Đá, Bả Canh (thị trấn Đập Đá), Khu Bàn Thành… lần lượt mở ra, đã tạo nên diện mạo mới mẻ cho An Nhơn. Ấy là chưa kể các khu trung tâm thương mại dịch vụ, giải trí đang trong quá trình xúc tiến xây dựng sẽ hoàn thành trong vòng 1-2 năm tới như: khu trung tâm thương mại (thị trấn Bình Định), khu trung tâm dịch vụ TDTT (thị trấn Đập Đá), khu văn phòng - nhà hàng - khách sạn - giải trí Bắc sông Tân An…
Tất cả đang hướng An Nhơn về một thị xã có nền KT-XH phát triển toàn diện, bền vững theo hướng CNH-HĐH.
|