CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN TÂY SƠN LẦN THỨ XIX (NHIỆM KỲ 2010-2015)
Phát triển công nghiệp ở Tây Sơn: Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực
21:59', 24/8/ 2010 (GMT+7)

So với các huyện đồng bằng, việc phát triển công nghiệp (CN) ở huyện trung du không mấy thuận lợi. Tuy nhiên đối với Tây Sơn, phát triển CN không theo “phong trào” mà được xác định là một trong những chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

 

Đến nay, sản xuất gạch ngói vẫn là một thế mạnh của huyện Tây Sơn. Ảnh: T.Hiền

 

Tây Sơn là một trong hai huyện trung du của tỉnh, nằm trên trục Quốc lộ 19 nối liền vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng với cảng Quy Nhơn. Tây Sơn lại được ví là “thủ phủ” sản xuất gạch ngói thủ công của tỉnh. Đây là những lợi thế để Tây Sơn phát triển CN.

Tuy nhiên, lấy những lợi thế đó làm cơ sở để hạ thấp tỉ trọng nông - lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện xuống còn 24% chỉ trong một nhiệm kỳ qua, không phải là đơn giản đối với Tây Sơn. Ngẫm lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Huỳnh Văn Tân tâm đắc nhất hai chuyện, đó là: huyện đã bước đầu xây dựng được các cụm CN để làm tiền đề phát triển sau này và quy hoạch hơn 500 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công vào các cụm CN tập trung.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Ban quản lý các cụm CN Tây Sơn, lý giải thêm, công tác đầu tư phát triển các cụm CN ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đầu năm 2003, huyện có chủ trương sắp xếp lại những lò gạch ngói thủ công nằm xen trong khu dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Chủ trương này được các địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Và kết quả là đã có 500 trong tổng số 730 cơ sở sản xuất gạch ngói của huyện được đưa vào cụm CN Hóc Bợm (Bình Nghi) và các điểm CN Tây Xuân, Trường Định (Bình Hòa), Gò Cầy (Bình Thành), Rẫy Ông Thơ (Tây An). Huyện cũng đang lên kế hoạch từ nay đến cuối năm 2010 mở rộng 15 ha nữa ở cụm CN Hóc Bợm để tiếp tục đưa thêm 100 lò gạch ngói vào.

Tổng lượng sản phẩm các lò gạch ngói ở Tây Sơn sản xuất đạt 160 triệu viên/năm, tiêu thụ mạnh ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum, Huế… Tuy nhiên, Tây Sơn cũng xác định để phát triển CN bền vững không thể chỉ dựa vào viên gạch, miếng ngói. Đó là lý do năm 2006, cụm CN đa ngành nghề Phú An (Tây Xuân) với 25 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: gỗ, đá granite, nước mắm, sắt phế liệu, nước khoáng, bột nhang, cơ khí… ra đời và nhanh chóng trở thành cụm CN có diện tích nhỏ, nhưng giá trị sản xuất cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Huyện đã quy hoạch được 6 cụm CN và 7 điểm CN, với diện tích 230 ha. Đến nay, Tây Sơn đã có 2 cụm CN và 7 điểm CN. Số cơ sở sản xuất CN trước chỉ có chừng 1.500 cơ sở, thu hút 3.000 lao động tham gia, thì nay con số này đã tăng gấp đôi với 3.000 cơ sở, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động địa phương.

Trong 5 năm qua, Tây Sơn đã có những điểm sáng trong phát triển CN với mức tăng bình quân hàng năm 16,03%. Tuy nhiên, công bằng mà nói, kết quả ấy mới chỉ là từ nội lực của địa phương. Tây Sơn được tỉnh xếp vào tốp 3 địa phương có giá trị sản xuất CN lớn nhất của tỉnh, nhưng thực chất phần lớn nhờ vào sự đóng góp rất lớn của Công ty cổ phần đường Bình Định. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN còn chậm, thiếu đồng bộ và vững chắc. CN phát triển với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trong khi đó đầu tư xây dựng cụm CN gặp khó khăn vì thiếu vốn.

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nói về việc phát triển CN ở địa phương, Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Tân vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi, để Tây Sơn phát triển CN thì cần có nguồn lực đầu tư và công tác quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư phải được tiến hành mạnh mẽ. Tuy nhiên, Tây Sơn không có được những thuận lợi về địa thế cũng như cơ sở hạ tầng CN. Ông Tân nhấn mạnh: “Muốn phát triển CN, huyện chỉ có con đường phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ kết hợp với ngoại lực. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, thủ tục… phải làm triệt để. Tây Sơn cũng rất cần có sự “chi viện” của tỉnh”.

Trong 5 năm tới, Tây Sơn phát triển CN theo hướng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất đa ngành nghề, hạn chế cơ sở gạch ngói thủ công để chuyển đổi sang gạch tuy nen; tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư vào cụm CN Cầu Nước Xanh (Bình Nghi), cụm CN Cầu 16 (Tây Thuận). Hy vọng, trong thời gian đến CN Tây Sơn sẽ ngày càng phát triển, xứng tầm với đất anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tích cực xóa đói giảm nghèo  (24/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XIX  (24/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tư pháp  (24/08/2010)
Xây dựng An Nhơn sớm trở thành thị xã phát triển toàn diện  (24/08/2010)
Bình Định đạt 5 giải Ba và 4 giải Khuyến khích  (24/08/2010)
20 bệnh nhi được hỗ trợ một phần kinh phí mổ tim  (24/08/2010)
Tiếp sức đến trường   (23/08/2010)
Tiếp tục “vượt lên chính mình”   (23/08/2010)
Đi nhanh lên thị xã   (23/08/2010)
Tổ chức khen thưởng và trao học bổng cho HS  (23/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Nhơn lần thứ XXII   (23/08/2010)
Xây dựng lực lượng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội  (23/08/2010)
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm  (22/08/2010)
Liên tục đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh tiêu biểu”  (22/08/2010)
Trung thành, đoàn kết vì nước quên thân, vì dân phục vụ  (22/08/2010)