Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng
20:39', 25/8/ 2010 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đào tạo nghề theo đơn đặt hàng chính là hướng đi mới mà Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đang triển khai. Hướng đi này sẽ giúp cho người học khi ra trường có tay nghề vững vàng, có được việc làm.

* Nâng cao chất lượng đào tạo

Đầu năm 2007, từ Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn nâng cấp lên Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn. từ khi nâng cấp đến nay, nhà trường được đầu tư 20 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Các xưởng thực hành thường xuyên được trang bị mới và khá hiện đại. trường có 49 thạc sĩ, một số giáo viên chuẩn bị đi nghiên cứu sinh. Nhờ đó, chất lượng học viên ra trường đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

 

Học viên khoa cơ khí của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn trong giờ thực hành. Ảnh: N.P

 

Theo ông Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, trước nhu cầu lao động có tay nghề cao và phù hợp với thực tế, nhà trường dành nhiều thời gian cho học viên thực hành hơn là học lý thuyết. Mặt khác, trong giờ học thực hành, học viên được tham gia sản xuất một số sản phẩm do các đối tác bên ngoài đặt hàng với nhà trường. “Không khí giờ thực hành tại các xưởng giống như các em đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Mục đích của việc này nhằm nâng cao tay nghề, kinh nghiệm cho học viên sau khi ra nghề. Ngoài thực hành tại xưởng của trường, các học viên còn được nhà trường liên hệ đưa đến các nhà máy, xí nghiệp để thực tập”- ông Thủy nói.

Để học viên có thêm kinh nghiệm thực tế, bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, nhà trường dành thời gian cho các học viên thực tập tại các doanh nghiệp kéo dài trong 4 tháng, thay vì chỉ 2 tháng như trước đây. Với việc kéo dài thời gian thực tập tại các doanh nghiệp giúp học viên khi ra nghề có thể bắt tay vào làm việc được ngay.

Cũng theo ông Thủy, để bắt nhịp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, nhà trường đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị học nghề hiện đại, nhằm đào tạo ra những lao động có tay nghề cao.

* Đào tạo theo đơn đặt hàng

Đề án thí điểm dạy nghề theo đơn đặt hàng được Bộ LĐ-TB&XH triển khai từ năm 2006 trên cơ sở đề xuất nhu cầu lao động kỹ thuật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đến nay, sau thời gian thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH xác định dạy nghề theo đơn đặt hàng là một hướng đi mới, vừa chất lượng, hiệu quả vừa tiết kiệm được chi phí, người học ra nghề có việc làm ngay.

việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng tại Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn được triển khai từ năm 2010. Ngày 17.8 vừa qua, tại lễ phát bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng nghề khóa đầu tiên của trường, Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO (Bình Định) và Công ty TNHH Thép BMB (Bình Dương) đã đến dự, tuyển dụng trực tiếp và ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động với nhà trường.

Công ty TNHH Thép BMB đã đặt hàng cho nhà trường đào tạo 100 chỉ tiêu, trong đó 90 chỉ tiêu chuyên ngành hàn và 10 chỉ tiêu chuyên ngành cắt gọt kim loại. Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO đặt hàng 80 chỉ tiêu, gồm một số nghề phù hợp với thực tế của đơn vị.

Ông Nguyễn Doãn Luận, Phó giám đốc Công ty TNHH Thép BMB, cho biết: “Cách đây 4 năm, khi một số học viên đầu tiên của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đến liên hệ Công ty xin thực tập, qua thời gian thực tập, chúng tôi nhận thấy các học viên được đào tạo khá bài bản, tay nghề khá vững. Từ đó, mỗi năm Công ty đều tổ chức đưa xe đến đón các học viên của trường vào thực tập 2 đợt/năm. Công ty hỗ trợ miễn phí tiền xe, tiền nhà trọ và còn hỗ trợ thêm 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người/tháng trong thời gian các em thực tập. Kết thúc khóa học, Công ty ra tận trường tuyển các em vào làm việc, với mức lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Công ty còn đặt hàng cho nhà trường đào tạo theo nhu cầu”.

Ông Ngô Xuân Thủy cho biết: “Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng đào tạo các nghề trên lĩnh vực cơ khí với số lượng lớn, nhưng nhà trường không đủ đáp ứng nhu cầu. Bởi mỗi năm số học viên học nghề cơ khí ra nghề chỉ khoảng 200 em, trong khi nhu cầu thực tế là 400-500 em. Ngược lại một số ngành như điện, điện tử, kinh tế… nhu cầu thì không nhiều nhưng số người đăng kí học luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, khi bước vào năm học mới, nhà trường phải tổ chức những buổi tư vấn cho các em biết được nhu cầu của xã hội, để các em chọn lựa ngành học cho phù hợp với thực tế”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết   (25/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập LLVT   (25/08/2010)
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết   (25/08/2010)
NHÂN SỰ MỚI   (25/08/2010)
Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp- dịch vụ làm đòn bẩy tăng trưởng   (25/08/2010)
Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ  (24/08/2010)
Phát triển công nghiệp ở Tây Sơn: Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực  (24/08/2010)
Tích cực xóa đói giảm nghèo  (24/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XIX  (24/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tư pháp  (24/08/2010)
Xây dựng An Nhơn sớm trở thành thị xã phát triển toàn diện  (24/08/2010)
Bình Định đạt 5 giải Ba và 4 giải Khuyến khích  (24/08/2010)
20 bệnh nhi được hỗ trợ một phần kinh phí mổ tim  (24/08/2010)
Tiếp sức đến trường   (23/08/2010)
Tiếp tục “vượt lên chính mình”   (23/08/2010)