Nghề nức thúng
22:7', 25/8/ 2010 (GMT+7)

Nghề nức thúng (hay còn gọi là vá thúng, sửa thúng) ra đời đã giúp người dân miền biển tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn, bởi một chiếc thúng chai mới giá bình quân từ 800 ngàn đến cả triệu đồng…

Người làm nghề nức thúng ở Quy Nhơn thường là người lớn tuổi, trẻ nhất cũng đã 60 tuổi, có người trên 80 tuổi và tất cả họ đều thạo nghề biển. Lúc trẻ, họ đi đánh bắt cá ở khắp nơi. Khi không còn đủ sức cho những chuyến ra khơi, họ ở nhà làm nghề nức thúng, phần để đỡ nhớ nghề, phần để có chút thu nhập mưu sinh.

 

Ông Huỳnh Hiếu đang nức thúng. Ảnh: K.Khánh

 

Ông Nhữ Phước, 80 tuổi, ở đường số 4 khu Bắc Hà Thanh, phường Đống Đa là một trong những thợ nức thúng có tiếng hiện nay ở Quy Nhơn. Thời trai trẻ, ngoài những chuyến đi biển, ông còn dành thời gian làm việc trong xưởng sản xuất thúng chai của người em ruột tại tỉnh Bình Thuận. Nhờ vậy, ông biết rõ cấu tạo của chiếc thúng. Mỗi khi ngư dân ở Quy Nhơn có thúng bị hư hỏng nặng, nhiều người tìm đến nhờ ông sửa.

Theo ông Phước, thúng chai thường bị hai lỗi chính là nứt nan do bị kéo lê trên cát, ngâm nước mặn lâu ngày, hay đụng đá ngầm và nứt vành do va đập.

Dụng cụ dùng để nức thúng có rựa, cưa để chặt, chẻ, vót tre, cái cùm dùng để bo vành, lận vành, búa để đập gõ vào nan tạo độ sít, và cuối cùng là dây cước để cố định. Nguyên liệu là tre nhưng phải là tre già để có độ cứng. Thông thường, tre làm vành cần có độ dài tối thiểu là 6 mét, để khi uốn cong tạo ra vòng tròn đủ lớn.

Nghề nức thúng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Bởi lúc lận nan, chỉ cần sơ ý mắc lỗi một chỗ là các chỗ khác không thể khớp được. Khó nhất là sửa vành, phải canh làm sao cho cân đối các bên. Nếu không, vành sẽ dễ méo, làm thúng bị lệch. Thường khi đem thúng đi sửa, chủ thúng yêu cầu thợ trét dầu rái để thúng mới và bền hơn. Thúng mới thì trét 6 nước, thúng cũ chỉ cần 2 nước. Cái khổ nhất của việc trét dầu là phải làm dưới trời nắng để dầu ăn vào tre. Nhờ có những lớp dầu này mà các chỗ hư hỏng được đảm bảo chắc chắn hơn.

Theo ông Huỳnh Hiếu, 73 tuổi, ở đường số 14 khu Bắc Hà Thanh, người có thâm niên hơn 10 năm làm nghề nức thúng, để nức xong một cái thúng cần từ 2-3 ngày, giá từ 200-300 ngàn đồng, sau khi trừ mọi chi phí, tiền công còn lại khoảng 30 ngàn đồng/ngày. Hầu như nhà nào có tàu, thuyền cũng có 1 đến 2 chiếc thúng chai, nên nghề này không cần đi tìm khách hàng. Thợ nức thúng ở Quy Nhơn thường xuyên bị “quá tải” vì “cầu” luôn vượt “cung”. Có lúc họ phải làm ngày đêm để khách hàng kịp chuyến ra khơi.

“Làm nghề này không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mẩn. Thấy tui đục đục, cưa cưa, mấy đứa con bảo nghỉ đi để giữ gìn sức khỏe. Nhưng được dăm ba bữa, có người đến năn nỉ làm, tui lại nhận lời; vả lại làm để đỡ nhớ nghề biển. Chắc chỉ khi không còn cầm nổi cái rựa, cái cưa, tui mới thôi làm”- ông Hiếu cười bảo vậy.

  • Kim Khánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người bác sĩ tận tụy với công việc   (25/08/2010)
Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng  (25/08/2010)
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết   (25/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập LLVT   (25/08/2010)
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết   (25/08/2010)
NHÂN SỰ MỚI   (25/08/2010)
Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp- dịch vụ làm đòn bẩy tăng trưởng   (25/08/2010)
Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ  (24/08/2010)
Phát triển công nghiệp ở Tây Sơn: Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực  (24/08/2010)
Tích cực xóa đói giảm nghèo  (24/08/2010)
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XIX  (24/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tư pháp  (24/08/2010)
Xây dựng An Nhơn sớm trở thành thị xã phát triển toàn diện  (24/08/2010)
Bình Định đạt 5 giải Ba và 4 giải Khuyến khích  (24/08/2010)
20 bệnh nhi được hỗ trợ một phần kinh phí mổ tim  (24/08/2010)