|
Ông Trần Minh Binh |
Trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Định lần thứ V (giai đoạn 2006-2010), Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Minh Binh - Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng (TĐKT) tỉnh - về những điểm nổi bật trong công tác TĐKT 5 năm qua của tỉnh ta.
* Được biết, trong 5 năm qua, đã có nhiều đổi mới trong công tác TĐKT của tỉnh. Những đổi mới đó là gì, thưa ông?
- 5 năm qua là giai đoạn chúng ta thực hiện Luật TĐKT (ban hành năm 2003), Luật Sửa đổi bổ sung Luật TĐKT (2005), Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 121-NĐ/CP của Chính phủ và các văn bản liên quan về công tác TĐKT. Từ đó, trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể đã có sự nhận thức tốt hơn về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác TĐKT nên quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua (TĐ).
Nội dung các phong trào TĐ được phát động gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, thiết thực và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu TĐ gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hình thức TĐ cũng được phát động phù hợp, có TĐ thường xuyên và theo đợt. Về biện pháp TĐ, một số phong trào có chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm, có sự phối hợp tốt giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời.
Công tác khen thưởng (KT) cũng có nhiều đổi mới, đó là KT gắn với TĐ, KT trên cơ sở đăng ký giao ước TĐ, xét chọn đề nghị KT trên cơ sở thành tích, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định và quy trình xét KT. Về hình thức, có KT thường xuyên hàng năm và KT chuyên đề đột xuất. Ngoài ra, còn có những giải thưởng do ngành, địa phương quy định như: Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu, Doanh nhân tiêu biểu...
Hồ sơ, thủ tục KT cũng đã được rút ngắn hơn trước. Mặt khác, chúng tôi còn thực hiện thủ tục đơn giản đối với KT đột xuất những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật. Về đối tượng KT, đã có chú ý KT các đối tượng là doanh nghiệp, doanh nhân, người trực tiếp lao động (công nhân, nông dân...), đối tượng ở vùng sâu vùng xa, cán bộ cơ sở. Tiêu chuẩn KT vẫn theo quy định, tuy nhiên một số trường hợp KT chuyên đề đột xuất đối với tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, được KT kịp thời với mức thưởng cao hơn quy định của Nhà nước.
|
Ông Trần Minh Binh tặng bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của TP Quy Nhơn. Ảnh: Hoa Khá
|
* Những điều đó tác động tích cực như thế nào đến kết quả phong trào thi đua của Bình Định 5 năm qua?
- Theo tôi, điều đó đã góp phần nâng cao hiệu suất công tác, chất lượng dịch vụ, sản phẩm, năng suất lao động, góp phần thúc đẩy hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương.
* Tuy nhiên, trong phong trào thi đua thời gian qua dường như vẫn chưa xuất hiện nhiều nhân tố mới. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng vậy. Hạn chế nổi bật của phong trào TĐ thời gian qua là các đơn vị, địa phương ít chú ý xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào TĐ cũng còn hạn chế. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban ngành còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Ngoài ra, việc KT đối với các cá nhân có thành tích ngoài đối tượng cán bộ, công chức còn ít.
* Vậy theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi cần tác động để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước tỉnh ta trong thời gian tới?
|
Ông Trần Minh Binh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân Công ty XSKT Bình Định có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Hoa Khá
|
- Điều cốt lõi nhất vẫn là nhận thức. Chúng ta cần có các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của phong trào TĐ trong cán bộ và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TĐKT. Việc tổ chức phát động các phong trào TĐ phải có nội dung thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, phong trào TĐ phải có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có sự kiểm tra đôn đốc, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời.
Công tác KT phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, đúng đối tượng, đúng thành tích, có tác dụng động viên, nêu gương, tránh KT tràn lan làm giảm tác dụng công tác TĐKT.
* Xin cảm ơn ông!
|