Những nẻo đời vá lưới…
21:48', 28/8/ 2010 (GMT+7)

Vá lưới là nghề truyền thống của phụ nữ ở các làng biển. Ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), nghề này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Tuy nhiên, khi sự phát triển của nghề biển có phần chững lại, nghề vá lưới cũng ít nhiều biến động…

 

Đội tàu thuyền của Nhơn Hải không còn nhiều như trước, nghề vá lưới vì thế cũng không còn xôm tụ.

 

* Muôn nẻo vá lưới

Tôi đến Nhơn Hải sau rằm tháng Bảy ba ngày. Thời điểm này, Nhơn Hải vẫn còn nhiều ghe thuyền chưa ra khơi sau đợt nghỉ trăng. Dọc bờ biển, có gần chục túp lều dã chiến được dựng lên làm nơi tránh nắng cho những người vá lưới.

Trong một căn lều dựng tạm trên bãi cát trước trụ sở UBND xã Nhơn Hải, 8 phụ nữ đang mải miết với công việc vá lưới. Người dùng dao lam cắt bỏ lưới cũ thay bằng lưới mới. Người lần tìm những chỗ lưới rách, dùng mũi kim tỉ mẩn vá. Bà Hồ Thị Lừng, chủ thuyền đồng thời cũng là người vá lưới cho biết: Thuyền của tôi mới lên bờ ngày 16 vừa rồi, dàn lưới mành bị rách nhiều nên phải thuê chị em đến sửa, vá lại.

Bà Lừng năm nay 50 tuổi, đã có hơn 30 năm làm nghề vá lưới. Vừa trò chuyện, tay bà vẫn thoăn thoắt: “Người vá lưới giỏi là chỉ cần nhìn sơ đã biết chỗ nào phải vá loại nhợ nào; biết vá luồn phao mành và chì vào lưới nhanh, mũi khâu tỉ mỉ, phải tinh mắt tìm cho ra những lỗ rách nhỏ. Nghề này chẳng có trường lớp nào dạy cả. Đa số chị em vá lưới ở đây đều tự học hoặc do gia đình có người đi biển truyền nghề lại cho; người biết chỉ cho người chưa biết, người làm trước có kinh nghiệm chỉ thêm cho người làm sau”.

Những người làm nghề vá lưới không chỉ hành nghề bằng cách nhận lưới về nhà làm, hoặc ra bờ biển vá lưới, mà còn đi đến các tỉnh khác, gần thì Phú Yên, Khánh Hòa, xa thì vô tận Vũng Tàu, Kiên Giang… để vá lưới thuê. Phong trào vá lưới thuê ngoài tỉnh nở rộ từ năm 1998 trở lại đây, khi nghề đánh bắt xa bờ phát triển mạnh.

Bà Nguyễn Thị Tùng, 53 tuổi, ở thôn Hải Đông là người thường xuyên đi vá lưới xa nhà. Bà Tùng kể, những người đi vá lưới xa thường 1-2 tháng mới về nhà một lần. Bởi, mỗi lần đi về phải bỏ việc làm mà lại tốn kém, nên họ đành nén nỗi nhớ nhà để có thể dành dụm được một khoản tiền kha khá để trang trải cho cuộc sống. “Tôi thường đi vá lưới xa từ tháng 10 đến tháng Giêng. Lúc mới đi làm xa, nhớ nhà không chịu nổi, nhưng đi riết rồi cũng quen. Đi xa được chủ thuyền cho ăn ở trong nhà, tiết kiệm chi tiêu, nên thu nhập cũng khá hơn”- bà Tùng tâm sự.

 

Người vá lưới tập trung làm việc dưới những căn lều tạm dựng dọc bờ biển.

 

* Vá cả... ước mơ

Hầu hết người vá lưới thuê đều được tính công theo ngày. Ở Nhơn Hải, vá lưới mành tại chỗ được trả 55.000 đồng/ngày, vá lưới cước thì tiền công thấp hơn 5.000 đồng. Tuy nhiên, trước thực tế nghề biển đang mất mùa, hiện tượng người vá lưới thuê bị nợ tiền công không phải là hiếm.

Với những người chịu khó đi vá lưới xa, mỗi ngày được trả 70.000-75.000 đồng. “Thu nhập khá và ổn định hơn so với làm ở nhà, nhưng cực lắm, vì phải ăn nhờ ở đậu nhà những chủ ghe thuê mình vá lưới. Có nhiều nhà chật chội, cả nhóm 10 người phải cùng tá túc trong một phòng rộng chừng 20m2. Thế nhưng cũng không ổn định, cứ 5-10 bữa lại phải chuyển chỗ ở một lần, vì có vá lưới cho họ thì họ mới cho mình ở”- một người vá lưới xa tâm sự.

Hầu hết những người làm nghề vá lưới thuê đều nghèo. Song, chính từ hoàn cảnh khó khăn mà họ luôn nỗ lực vươn lên, cần cù lao động để cải thiện cuộc sống. Dù khó khăn, nhưng họ vẫn luôn mong mỏi con cái mình được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định. Như chị Ngô Thị Sam, 38 tuổi, một mình nuôi 3 con ăn học bằng nghề vá lưới. Chị khoe: “Đứa lớn mới đậu Cao đẳng, đứa giữa đang học lớp 9, đứa út đang học lớp 5. Hai tháng nay, gia đình tôi được Nhà nước trợ cấp 180 ngàn đồng/tháng, cũng đỡ khổ chú à!”.

Ở Nhơn Hải còn nhiều người phụ nữ một mình vá lưới nuôi con ăn học như chị Sam. Chị Trần Thị Hạnh, 47 tuổi, tâm sự: “Tôi đã theo nghề này mười mấy năm, nhờ nó mà 2 con tôi có thêm tiền học hành (con trai lớn vừa tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh, con gái mới đậu Cao đẳng). Mình khổ cực nhưng con cái hiểu được giá trị đồng tiền mà mẹ vất vả làm ra nên đứa nào cũng cố gắng học hành. Thấy con cái như thế là tôi mãn nguyện. Đời mình không được học cao, nay con chịu học, khổ mấy tôi cũng ráng…”.

* * *

Trước đây, ở những gia đình ngư dân, khi người đàn ông ra khơi, phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm nước và chăm con cái. Nhàn rỗi, nhiều người còn nảy sinh đỏ đen, cờ bạc. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai nam giới. Nhưng những năm gần đây, nghề vá lưới thuê đã góp phần không nhỏ vào thu nhập của các gia đình ngư dân, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho phụ nữ nghèo ven biển.

Tuy nhiên, ở Nhơn Hải hiện nay, số người làm nghề vá lưới cũng không nhiều, và chỉ có những phụ nữ lớn tuổi mới theo nghề này. Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, lý giải: “Sản xuất ngư nghiệp của xã đang gặp nhiều khó khăn. Chi phí cho mỗi chuyến đi biển quá cao, lượng hải sản đánh bắt giảm, nhiều chủ thuyền phải bán phương tiện. Theo điều tra, hiện giờ toàn xã chỉ còn 396 tàu thuyền, giảm 31 chiếc so với năm 2009, nhiều chủ thuyền còn đang tiếp tục kêu bán. Ngư nghiệp đình trệ, nhu cầu lao động vá lưới cũng giảm nhanh”.

Ở một phương diện khác, số người dân xã Nhơn Hải, nhất là lớp trẻ đi làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp ngày càng nhiều. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, vì so với nghề biển nhiều rủi ro, thu nhập của công nhân gỗ, công nhân may ổn định hơn. Từ đó, người dân biết cách chi tiêu, tích lũy nên cuộc sống không còn bấp bênh nữa...

  • Mai Lâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức và duy trì tốt các lớp năng khiếu hè  (28/08/2010)
Tặng hơn 20 ngàn ly sữa cho trẻ em nghèo  (28/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính nhà nước  (28/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành  (28/08/2010)
Về đánh giá cán bộ, công chức  (27/08/2010)
Thị trấn Vân Canh làm tốt công tác xây dựng Đảng   (27/08/2010)
Dấy lên mạnh mẽ phong trào tương thân tương ái   (27/08/2010)
Thăm các gia đình chính sách và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh  (27/08/2010)
Phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực   (27/08/2010)
Phong trào thi đua đã góp phần nâng cao hiệu suất công tác, năng suất lao động  (26/08/2010)
Sáng tạo vì đàn em thân yêu  (26/08/2010)
Sản xuất hiệu quả nhờ phát huy sáng tạo  (26/08/2010)
Phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa, nhân rộng  (26/08/2010)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng làm việc với xã Canh Liên  (26/08/2010)
Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Định lần thứ V  (26/08/2010)