Giảm quy trình thủ tục hành chính, cán bộ dễ dàng tra cứu văn bản, lãnh đạo và người dân có thể trực tiếp giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ… là những tiện ích mà mô hình một cửa điện tử (MCĐT) mang lại. Những thành công bước đầu của mô hình MCĐT tại UBND TP Quy Nhơn là cơ sở cho việc triển khai, nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh.
|
Hầu hết cán bộ của UBND TP Quy Nhơn đã xem CNTT là một trong những thành tố không thể thiếu được trong quá trình xử lý công việc. - Trong ảnh: Cán bộ phòng Quản lý đô thị đang làm việc.
|
* Mô hình mẫu - những thành công bước đầu
Thực hiện theo định hướng của Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT), tập trung xây dựng những mô hình điểm cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ quản lý hành chính nhà nước hướng tới một cửa, MCĐT, cung cấp dịch vụ công điện tử cho người dân, doanh nghiệp, ngay từ năm 2007, Sở TT-TT đã tham mưu cho tỉnh chọn UBND TP Quy Nhơn làm điểm đầu tiên triển khai mô hình này.
Sau gần 3 năm triển khai, với sự quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT của lãnh đạo và tập thể cán bộ UBND TP Quy Nhơn, cộng với việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay hầu hết cán bộ của UBND TP Quy Nhơn đã thực sự coi CNTT là một trong những thành tố không thể thiếu được trong quá trình xử lý công việc. Đây là một trong những nền tảng để xây dựng hệ thống giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng MCĐT.
Tại “bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ” của UBND thành phố, hệ thống trang thiết bị phục vụ cho mô hình MCĐT được trang bị đồng bộ, hiện đại, bao gồm: hệ thống xếp hàng lấy số thứ tự tự động, hệ thống camera quan sát, máy tra cứu thông tin hồ sơ và hướng dẫn thủ tục hành chính. Người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ làm việc có thể dùng máy tra cứu mã vạch hoặc sử dụng phần mềm tra cứu để biết được quy trình xử lý hoặc tình trạng hồ sơ đang được thực hiện đến đâu. Những ứng dụng như vậy đã làm công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính.
Ngoài việc đầu tư hạ tầng, UBND thành phố cũng đã xây dựng các phần mềm nghiệp vụ gắn liền với các quy trình tại bộ phận “tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ” trên cơ sở hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 như: quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng. Hệ thống này đã giúp cho việc quản lý, điều hành, tác nghiệp, quản lý hồ sơ công văn hiệu quả, công khai, minh bạch hơn; lãnh đạo theo dõi được quá trình xử lý và tình trạng của từng hồ sơ để kịp thời chỉ đạo đôn đốc nhằm giải quyết những hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn. Nhờ vậy, hiệu quả công việc được nâng cao, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ các công việc liên quan đến thủ tục hành chính.
* Diện mạo mới cho quá trình cải cách hành chính
Chủ trương cải cách hành chính, một cửa, một cửa liên thông là chủ trương chung của Chính phủ. Hiện nay, xu hướng thực hiện một cửa, một cửa liên thông được cả nước hưởng ứng. MCĐT hiểu đơn giản là gắn liền những ứng dụng CNTT vào quy trình thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Nhờ những hiệu quả trong việc giải quyết công khai minh bạch các thủ tục hành chính, mô hình MCĐT cấp quận, huyện đã được đưa vào ứng dụng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2005, sau đó được triển khai rộng trên toàn quốc. Nó giúp cụ thể hóa các loại quy trình, các yêu cầu quản lý dựa trên những hệ thống tích hợp thông tin, cho phép nâng cao năng lực quản lý thông tin, đặc biệt là quản lý dữ liệu, hồ sơ công văn, quản lý quy trình giải quyết công việc, chất lượng, tiến độ công việc.
Điều này đã góp phần mang lại một diện mạo mới cho hiệu quả của quá trình cải cách hành chính. Anh Trương Xuân Cường, thành viên tổ tin học của Văn phòng UBND thành phố, cho biết: “Văn phòng MCĐT tại TP Quy Nhơn về mặt hình thức so với nhiều địa phương khác trong cả nước còn rất khiêm tốn, nhưng nếu xét về chất lượng thì được các đơn vị của các tỉnh khác đến tìm hiểu đánh giá rất cao. Nó là đầu ra của cả một quy trình hoàn chỉnh đã được triển khai tin học hóa khép kín từ bộ phận một cửa đến các phòng chức năng. Theo đó, tất cả cán bộ chuyên viên tham gia các quy trình này đều thực hiện việc xử lý hồ sơ trên mạng. Hiện nay, số lượng đầu việc tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của thành phố còn ít nên chưa phát huy được hết hiệu quả của hệ thống. Tuy nhiên, về cơ bản, nền tảng của hệ thống hiện nay đã hoàn thiện, cho phép triển khai tất cả các dịch vụ công một cửa trên hệ thống này.”
* Cần quyết tâm và đầu tư tương xứng
Vừa qua, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình MCĐT cấp huyện cho khu vực miền Trung”. Hội thảo đã giúp các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên có cái nhìn tổng quan về lợi ích, thuận lợi, những khó khăn khi triển khai các mô hình MCĐT tại địa phương. Tại Hội thảo này, thạc sĩ Phạm Hồng Quảng, Trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT Quảng Nam), chia sẻ: “Theo đánh giá của Bộ TT-TT, việc ứng dụng mô hình một cửa tại tỉnh Quảng Nam có những kết quả bước đầu rất tốt. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, muốn thực hiện mô hình MCĐT thành công phải đáp ứng được các yêu cầu: Tin học hóa các thủ tục hành chính một cách trọn vẹn, đồng bộ, xuất phát từ điều kiện thực tế của đơn vị thực hiện. Hệ thống phải được xây dựng trên một nền tảng thống nhất trong toàn tỉnh để đảm bảo việc kết nối liên thông về lâu dài với mục tiêu dài hơi là Chính phủ điện tử. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn hệ thống. Ngoài ra, cần có sự đầu tư tương xứng về nguồn lực và nhân lực.”
Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều địa phương trên toàn quốc đã thực hiện rất thành công mô hình này. Mặc dù hiệu quả của mô hình MCĐT đối với cải cách thủ tục hành chính là rất lớn, tuy nhiên, việc xây dựng, áp dụng vào thực tiễn còn vướng nhiều khó khăn. Ông Ngô Đông Hải- Giám đốc Sở TT-TT Bình Định, cho biết: “Để triển khai và nhân rộng mô hình MCĐT, theo tôi, khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư. Trong mấy năm qua, nguồn lực đầu tư cho CNTT của tỉnh ta còn khá khiêm tốn. Đặc biệt là đầu tư cho hệ thống văn phòng điện tử, điều hành tác nghiệp”.
Từ những thành công bước đầu của mô hình MCĐT tại UBND TP Quy Nhơn, hiện nay tỉnh ta đang nhân rộng mô hình, việc triển khai tại một số đơn vị khác bắt đầu thực hiện. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, con đường ứng dụng CNTT nói riêng và các loại hình công nghệ khác vào cải cách hành chính, đặc biệt là vào chế độ một cửa là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung. Rút kinh nghiệm từ mô hình mẫu này, tỉnh ta cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn về nguồn lực con người, tài chính và cần có lộ trình thực hiện cụ thể để mô hình MCĐT sớm được nhân rộng thành công trên toàn tỉnh.
|