CHẾ ĐỘ CHO GIÁO VIÊN DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT:
“Trường tư” muốn như “trường công”
21:42', 30/8/ 2010 (GMT+7)

Ở tỉnh ta, hiện có 2 cơ sở dạy học sinh (HS) khuyết tật- một của Nhà nước, một của tổ chức xã hội- nên chế độ lương và phụ cấp của giáo viên (GV) ở mỗi nơi cũng khác nhau. Nguyện vọng của GV “trường tư” là được hưởng chế độ tương xứng hơn, khi cùng dạy dỗ một đối tượng là HS khuyết tật.

 

Muốn giảng dạy hiệu quả, GV dạy trẻ khuyết tật phải luôn gần gũi với học sinh.

- Trong ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Kiều và học trò Phan Quỳnh Như.Ảnh: Thu 

 

* Chỉ kỹ năng thôi chưa đủ

Lớp dạy trẻ khó khăn về học - Trường chuyên biệt Hy Vọng (02 Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn) - do cô giáo Nguyễn Thị Thúy Kiều phụ trách, chỉ có 6 HS. Nhưng không vì thế mà cô giáo nhàn rỗi; trái lại, đôi lúc còn mệt thở không ra hơi. Chẳng hạn, đang học trong lớp thì một HS bỗng khóc thét lên, đòi ra ngoài chơi. Cô dỗ dành mãi HS đó mới vừa vào học tiếp, thì lại xảy ra sự cố khác: một em “ị” ngay trong lớp vì không tự chủ được…

Những sự cố kiểu như vậy là chuyện thường ngày ở các lớp học dành cho trẻ khó khăn về việc học, mắc các chứng bệnh down, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ. Bởi vậy, hầu hết GV dạy HS khuyết tật còn kiêm nhiệm công việc bảo mẫu. Như, bé Phan Quỳnh Như, 7 tuổi, bị tự kỷ. Ngày mới vào học, Như rất sợ đám đông, vận động yếu, chưa biết đi tiêu, tiểu. Cả tháng cô Kiều phải cùng vào nhà vệ sinh với Như, tập cho em tự đi vệ sinh một mình; động viên Như hòa đồng với các bạn. Nay thì Như đã có thể tự đi vệ sinh một mình, chơi cùng các bạn, nhưng tình hình học tập thì vẫn chưa tiến triển gì mấy.

Bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng, nhận xét: “Dạy một trẻ khuyết tật bằng 5 trẻ bình thường. Bởi vậy, đòi hỏi các GV phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. HS bình thường thì chỉ cần giảng bài qua một vài lần các em thể nắm bắt được ngay. Nhưng, với trẻ khuyết tật thì đôi khi để các em làm quen và nhớ được một sự vật, GV phải lặp đi lặp lại cả hàng trăm lần”.

“Bởi vậy mới nói, với GV dạy trẻ khuyết tật, chỉ bằng kỹ năng nghề nghiệp thôi thì chưa đủ, mà quan trọng nhất là phải có cái tâm. Càng gần gũi, hết lòng với các em bao nhiêu thì mình càng dễ tiếp cận, hiểu HS bấy nhiêu. Từ đó, mới dễ dàng tương tác, dạy HS sẽ hiệu quả hơn…” - cô giáo Đào Thị Mộng Hằng, có kinh nghiệm 10 năm dạy trẻ khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Đồng Tâm (phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn) bổ sung thêm. Hằng chuyên dạy lớp dự bị- lớp khó nhất - ở Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Lớp dự bị mới của Hằng năm nay có đến 19 HS, lớn nhất đã 28 tuổi và nhỏ nhất 6 tuổi.

 

Ngoài dạy văn hóa, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm còn dạy nghề cho người khuyết tật.Ảnh: N. Sương

 

* Mong được như trường... Nhà nước

Tỉnh ta có 2 cơ sở dạy HS khuyết tật là Trường chuyên biệt Hy Vọng (cơ sở của Nhà nước) và Trung tâm BTXH Đồng Tâm (một tổ chức xã hội). Và, tuy cùng dạy đối tượng HS khuyết tật nhưng lại có sự chênh lệch về lương, phụ cấp giữa GV của hai cơ sở trên.

Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng, cho biết: 10 GV đang dạy tại trường (chủ yếu là GV của cơ sở Nguyễn Nga chuyển sang), tuy chỉ có 1 người thuộc biên chế, còn lại đều là giáo viên hợp đồng, nhưng tất cả đều được hưởng lương theo quy định và hưởng thêm 70% phụ cấp đứng lớp. Sắp tới, Trường sẽ đề nghị xét tuyển thêm 11 người vào biên chế nhà nước cho đủ chỉ tiêu biên chế mà tỉnh đã cho. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Kiều, cho biết: “Tính mọi khoản lương, phụ cấp thì thu nhập của tôi được gần 2,5 triệu đồng/tháng - khá cao so với mức lương trước đây. Sắp tới, nghe nói còn được xét tuyển vào biên chế nữa, nên chúng tôi rất phấn khởi, cố gắng làm việc…”.

Trong khi đó, theo ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm BTXH Đồng Tâm, lương trả cho 6 GV dạy văn hóa và 2 GV dạy nghề của Trung tâm lâu nay vẫn phải trích từ nguồn quỹ mà Trung tâm huy động được, nên rất eo hẹp, lương khoán chỉ từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/GV. Năm 2008, Trung tâm được UBND tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng để trả lương cho GV, nhưng đến năm 2009 thì không được cấp nữa. Cũng chính vì phải “căng kéo” khoản lương cho GV mà Trung tâm không dám nhận thêm HS dù nhu cầu của phụ huynh rất lớn.

Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường chuyên biệt Hy Vọng chỉ nhận HS giới hạn trong độ tuổi từ 7 - 10 và tình trạng khuyết tật không quá nặng (HS phải qua kiểm tra trước khi được nhận vào học). Chính vì thế, việc giảm gánh nặng cho cơ sở tư nhân dạy HS khuyết tật - đồng nghĩa với việc có điều kiện tăng lương cho GV - vẫn chưa có hướng giải quyết.

“Cũng là GV dạy trẻ khuyết tật nhưng ở cơ sở Nhà nước thì được ưu đãi hơn khi được hưởng thêm phụ cấp 70% đứng lớp, được tăng lương. Còn ở Trung tâm chúng tôi, chỉ mong trả đủ lương theo hệ số thấp nhất là 2,34 cũng không lo nổi. Chúng tôi động viên GV yên tâm dạy học, nhưng với đồng lương eo hẹp như thế thì họ không buồn làm sao được. Nếu được UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí trả lương cho họ như trước đây thì tốt quá…”- ông Công nói.

Chị Hằng tâm sự, với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng trong khi đang phải nuôi con nhỏ, thuê nhà trọ để ở, chị thực sự không dám nghĩ nhiều đến đồng lương, chỉ biết được ngày nào hay ngày nấy, còn lại vẫn phải “bám” vào ông bà ngoại.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NHÂN SỰ MỚI  (30/08/2010)
Nâng cao quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực   (30/08/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh  (30/08/2010)
Không khó nhưng vẫn khổ  (29/08/2010)
Làm tốt công tác tuyển quân đợt 2  (29/08/2010)
Diễn tập phòng chống dịch cúm A ở người  (30/08/2010)
Ban hành Quy định về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ  (29/08/2010)
Khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em  (29/08/2010)
15 học sinh Bình Định được nhận học bổng  (29/08/2010)
Giúp công khai, minh bạch các thủ tục hành chính  (29/08/2010)
Kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hà Tĩnh - Bình Định  (29/08/2010)
Những nẻo đời vá lưới…  (28/08/2010)
Tổ chức và duy trì tốt các lớp năng khiếu hè  (29/08/2010)
Tặng hơn 20 ngàn ly sữa cho trẻ em nghèo  (28/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Văn phòng cơ quan hành chính nhà nước  (28/08/2010)