Ước mơ một đôi mắt sáng
7:44', 1/9/ 2010 (GMT+7)

Điều ước của mẹ: “Bác sĩ bảo mắt của tôi có thể có cơ hội chữa trị, nhưng bằng kỹ thuật cao hơn và chi phí nhiều hơn. Bây giờ tôi chỉ mong được sống khỏe mạnh, mắt sáng trở lại để nuôi các con ăn học thành người”. Điều ước của con: “Mắt mẹ phải sáng thì tụi con mới đi học được”. Đó không chỉ là ước mơ mà là niềm khát khao cháy bỏng của bốn mẹ con chị Trần Thị Tuyết Nhung.

 

Có một đôi mắt sáng - một ước mơ giản dị, nhưng với bốn mẹ con chị Trần Thị Tuyết Nhung đó là niềm khát khao cháy bỏng.

 

* Câu chuyện của mẹ

Đến xóm Tiêu 2 (khu vực 8, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn), hỏi thăm nhà chị Nhung, ai cũng biết, và biết đến tường tận câu chuyện éo le của người mẹ mù ở số nhà 28, đường 25, tổ 75 này. Căn nhà của bốn mẹ con vỏn vẹn có 9m2, tôi phải khéo léo lách người lên cầu thang nhỏ mới có được khoảng trống trải chiếu làm chỗ ngồi. Chị bắt đầu câu chuyện.

13 tuổi, chị Nhung một mình từ quê (Mỹ Trinh, Phù Mỹ) vào Quy Nhơn theo nghề bán cá để kiếm sống. Năm 29 tuổi, chị đã trải qua một cơn đau nặng. Bao nhiêu tiền gom góp chỉ đủ để hai cha con chị vào BVĐK tỉnh và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) khám… Rồi hai cha con quay trở về với nỗi tuyệt vọng đến cùng cực: chị bị hỏng giác mạc. Không gì đau đớn bằng một người khỏe mạnh nay trở thành tàn phế, phải ăn bám vào gia đình. “Hai lần tự tử, đều bị người nhà phát hiện cứu sống. Ba tôi bảo dù có khổ đến mấy cũng còn hơn kiếp con chó. Vậy là tôi sống!” - chị nhớ lại.

Chị lại vào Quy Nhơn tiếp tục cuộc mưu sinh. Bán cá không được, chị chuyển sang mở quán bán hàng ăn, hàng nước nhỏ trước nhà. Nỗi khát khao được làm mẹ, được yêu thương thôi thúc chị… Bé Phạm Thị Kiều Phương ra đời là kết quả của một lần chị “xin con”. Bốn năm sau, chị gặp người đàn ông của mình, hai bé trai sinh đôi chào đời, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn ngủi, người chồng lại bỏ người vợ mù đi theo người tình. Một mình chị gồng gánh, đi bán vé số nuôi ba con thơ dại. Bé Kiều Phương giờ đã lên lớp 4, còn hai con trai cũng bắt đầu vào lớp 1- Trường tiểu học số 2 Quang Trung.

 

Năm học này hai em vào lớp 1, Phương nhường chiếc bàn học duy nhất đã bị gãy chân phải kê vào cầu thang cho em ngồi học.

 

Chị Nhung tâm sự: “Hồi trước, tôi được cấp ngôi nhà cấp bốn ở xóm Tiêu để định cư sau lần di dời làm đường Xuân Diệu. Nhưng, hàng quán buôn bán được hai năm thì “sập tiệm” vì khách ăn nợ. 3 năm trước, tôi bán lần bán hồi căn nhà, được 85 triệu đồng. Tiền bán nhà, một phần tôi mua lại được chỗ ở này, số còn lại thì mua xe xích lô cho chồng chạy. Nhưng cứ sắm chiếc nào, ổng cũng đều bán lấy tiền ăn nhậu, tổng cộng 12 chiếc như thế, ổng mới bỏ đi”.

* Chuyện của con

Cả nhà dọn lên xóm Tiêu ở khi bé Kiều Phương vừa lên 3 tuổi. Lây lất sống cùng mẹ, bữa đói bữa no nhưng Kiều Phương ít khi đau ốm. Hàng xóm tấm tắc khen cô bé dễ thương, lại thông minh. Lên 7 tuổi, Kiều Phương vào lớp 1 và bắt đầu giúp mẹ bán vé số.

Phương đi học một buổi, dẫn mẹ đi bán vé số một buổi. Bây giờ lên lớp 4, Phương học buổi chiều nên phụ mẹ bán buổi sáng và tối. 4 giờ sáng, hai mẹ con dậy nhận số, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước, rồi lên đường. Buổi tối, 9 giờ đêm hai mẹ con mới về đến nhà. Năm năm nay, khách của hai mẹ con là các quán cà phê dọc đường Phạm Hùng xuống đến BVĐK tỉnh.

“Mỗi ngày, mẹ và con đi bộ khoảng 5 km, chịu khó đi thì bán được 100 vé, tiền lời cũng được hai ba chục ngàn đồng. Mấy hôm đi về buổi trưa nắng gắt, mẹ phải cho con đi xe thồ về cho kịp giờ học” - Phương kể.

 

Từ năm 7 tuổi, bé Kiều Phương đã cùng mẹ đi bán vé số.

 

Hôm nào con đi học, chị Nhung dò quanh chợ xóm Tiêu để bán số. Chỉ mới 11 tuổi, nhưng bé Phương chững chạc hơn hẳn bạn đồng lứa, phụ mẹ làm việc nhà và kèm hai em học. Nét hồn nhiên của cô bé không còn khi em tâm sự: “Vừa đi bán số vừa học, con cũng mệt lắm, nhưng phải cố gắng giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học. Năm học nào con cũng được học sinh tiên tiến. Con ráng học thật giỏi”.

***

Trong căn nhà 9m2 được cơi thêm “tầng” làm chỗ học cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vật dụng đáng giá nhất là chiếc ti vi và xe đạp chị Nhung mua góp cho con. Có mỗi chiếc bàn học đã bị gãy chân, Phương nhường cho hai em ngồi.

Chị Nhung bảo vào năm học mới, ba đứa nhỏ được trường giảm 50% học phí theo diện hộ nghèo. Nhưng khổ nhất là chuyện đồng phục, sách vở và các khoản chi phí khác. Số tiền chị bỏ ống 5.000 đồng/ngày trong mấy tháng nay không đủ mua cho các con bộ đồng phục. “Sách vở của bé Phương thì có người cho. Hai thằng nhỏ mới đi học thì được cô chủ nhiệm mua cho cặp sách. Tôi sợ khi nghĩ đến lúc cả ba đứa cùng đi học…” - chị Nhung bỏ lửng câu nói.

Vì con - người mẹ mù ấy có niềm tin để sống, dù tương lai phía trước còn mù mịt. Nhưng tôi cũng hiểu, với một người mẹ đơn thân, nuôi con đã là chuyện nan giải, huống chi một người mù như chị Nhung…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phù Cát: “Mặc áo mới” cho thị trấn  (31/08/2010)
Xét tuyển thêm gần 200 giáo viên, nhân viên  (31/08/2010)
Nghiêm cấm từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh  (31/08/2010)
Tiến độ xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn đúng theo kế hoạch  (31/08/2010)
“Trường tư” muốn như “trường công”   (30/08/2010)
NHÂN SỰ MỚI  (30/08/2010)
Nâng cao quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực   (30/08/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh  (30/08/2010)
Không khó nhưng vẫn khổ  (29/08/2010)
Làm tốt công tác tuyển quân đợt 2  (29/08/2010)
Diễn tập phòng chống dịch cúm A ở người  (30/08/2010)
Ban hành Quy định về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ  (29/08/2010)
Khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em  (29/08/2010)
15 học sinh Bình Định được nhận học bổng  (29/08/2010)
Giúp công khai, minh bạch các thủ tục hành chính  (29/08/2010)