CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 65 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2.9.1945 - 2.9.2010)
Tết Độc lập
22:2', 1/9/ 2010 (GMT+7)

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày lễ Quốc khánh 2.9 có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, bởi đó là mốc đánh dấu ngày dân tộc Việt Nam thoát khỏi xích xiềng nô lệ, nước Việt Nam trở thành một nước tự do, độc lập. Chính vì thế, dù trong bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào của đất nước, dân ta cũng tổ chức ngày Tết Độc lập của mình với những hành động thiết thực, ý nghĩa.

 

Từ trước ngày 2.9, đường phố ở TP Quy Nhơn đã rợp bóng cờ hoa.Ảnh: V.L

 

* Tết xưa

Với ông Nguyễn Thanh Lịch -  Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bình Định - đến giờ, ký ức những ngày Cách mạng Tháng Tám và lễ Quốc khánh 2.9 ở miền quê Thái Bình đói nghèo năm xưa vẫn thường trực trong ông. Hơn ai hết, người dân quê lúa Thái Bình của ông thấm thía nạn đói 1945, nên với họ, sự vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám không chỉ ở chỗ đã giải phóng người dân khỏi kiếp đời nô lệ mà còn giải phóng họ khỏi đói nghèo, dốt nát. Thế nên, những năm tháng miền Bắc xây dựng XHCN, mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, cũng như các tỉnh khác, huyện và xã khác, ở quê ông cũng tổ chức mít tinh, rước đuốc, tuần hành hô khẩu hiệu, thiếu nhi thì cắm trại, ở thôn xóm thì tổ chức thi đấu bóng chuyền... Ông Lịch kể: “Dẫu còn nghèo khổ nhưng người dân quê tôi cũng có ăn Tết độc lập hẳn hoi. Học sinh đi cắm trại thì góp gạo, góp tiền mua heo làm thịt để tổ chức “bữa ăn đoàn kết”. Ở nhà tôi, và nhiều nhà khác cũng thế, đều tổ chức một bữa ăn “tươi” mừng Quốc khánh. Ăn “tươi” nghĩa là cơm không độn khoai, bữa cơm có cá, những thức ăn mà bữa ăn bình thường không có”.

Trong khi đó, trên chiến trường miền Nam, qua lời kể của các chiến sĩ thời ấy, mỗi dịp 2.9 đều có phát động thi đua lập thành tích chào mừng Quốc khánh trong các đơn vị. Nội dung thi đua thường là đăng ký đạt, vượt chỉ tiêu đề ra trong huấn luyện, giết giặc lập công. Ông Võ Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bình Định, kể lại một dịp kỷ niệm Quốc khánh đáng nhớ của mình vào năm 1969: “Năm ấy, như thường lệ, đơn vị chúng tôi (Sư đoàn 325) đang đóng tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng phát động phong trào thi đua chào mừng Quốc khánh. Mặt khác, Sư đoàn trưởng của chúng tôi là đồng chí Nguyễn Thăng Bình (quê xã Nhơn Hưng, An Nhơn) vốn thời chống Pháp là Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ ở Trung ương, có được thông tin là sức khỏe Bác Hồ không được tốt, vì thế đã phát động trong toàn đơn vị một phong trào thi đua nữa, là lập thành tích để chúc sức khỏe Bác. Nhưng rồi Bác đã không qua khỏi. Sau đó, đi dự lễ tang của Bác về, đồng chí Sư đoàn trưởng lại tiếp tục phát động phong trào thi đua biến đau thương thành hành động cách mạng. Và đơn vị chúng tôi đã thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh Đồi 202 Nam, phía Tây tỉnh Quảng Trị”. Rồi ông Quỳnh nói thêm: “Mỗi đợt phát động thi đua như thế là một lần tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi quyết tâm giải phóng miền Nam”.

Còn ông Nguyễn Thanh Lịch, từ năm 1964, ông đi bộ đội và vào Nam chiến đấu ở chiến trường Bình Định. Ông nhớ lại: “Hưởng ứng phong trào thi đua, mỗi dịp Quốc khánh, các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 3 chúng tôi hay cắt khẩu hiệu bằng giấy dán lên mũ tai bèo. Khẩu hiệu thường có nội dung như: Chào mừng Quốc khánh 2.9, Luyện quân lập công mừng ngày Quốc khánh, Quyết tâm giết giặc lập công mừng ngày Quốc khánh... Khí thế lắm. Khi có điều kiện, anh em trong đơn vị cũng tổ chức một bữa ăn mừng ngày lễ. Bữa ăn này ngon hơn bình thường một chút, chẳng hạn có cá chuồn từ biển Đề Gi, Phù Mỹ đưa lên. Đó là những năm đóng quân ở Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão. Năm 1968, khi là cán bộ đại đội, tôi còn tổ chức cho anh em làm báo tường chào mừng Quốc khánh…”.

Với những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, dẫu hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vẫn luôn nhớ đến ngày lễ 2.9. Ông Nguyễn Xuân Ái (TP Quy Nhơn), một cựu tù chính trị cách mạng có 14 năm đón ngày 2.9 trong nhà tù Côn Đảo, kể lại: “Vào tất cả các ngày lễ của đất nước, chúng tôi đều làm lễ kỷ niệm, nhưng tổ chức trang nghiêm nhất là ngày 2.9. Với riêng các chiến sĩ bị nhốt ở chuồng cọp, vào sáng ngày 2.9, tất cả cùng ngồi nghiêm trang, mặt quay về hướng Bắc - hướng Thủ đô Hà Nội - để mặc niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, và nhớ đến Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc. Chỉ thế, nhưng vô cùng thiêng liêng và tự hào”.

* Tết của muôn đời sau

Ông Nguyễn Hoàng, cán bộ hưu trí ở khu vực 5, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) kể rằng, từ khi về hưu (năm 1993) đến giờ, cứ gần đến ngày Tết Độc lập, ông lại lần giở những kỷ vật của một thời gian khổ mà oanh liệt ra xem lại, trong đó, quý giá nhất là những cuốn sổ chép tay những bài thơ, lời bài chòi do chính ông sáng tác. Thời gian 1965-1966, ông từng viết bài chòi để tuyên truyền trong những dịp 19.8 và 2.9. Ông tâm sự: “Với tôi, Tết Độc lập là một sự kiện lớn, chẳng khác gì cái Tết thứ hai của dân tộc. Hồi còn lăn lộn ở rừng Kon Hà Nừng (ông Hoàng từng có thời gian công tác tại Tỉnh ủy Gia Lai), đến Tết Độc lập, thể nào chúng tôi cũng cố gắng tổ chức một mâm cỗ nho nhỏ, có thịt tươi để anh em chung vui. Giờ, cứ đến trưa 2.9, nhà tôi lại làm mâm cỗ để con cháu quây quần ăn Tết Độc lập”…

Còn với anh Nguyễn Việt Hùng (nhân viên Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Bình Định), thì: “Ông nội tôi là liệt sĩ, nên có lẽ vì thế mà ngày kỷ niệm Quốc khánh có một ý nghĩa lớn lao với cả nhà, nhất là với bà nội tôi. Những ngày lễ lớn, khi đất nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm như thế này, bà thường ngồi lặng lẽ bên ti vi, nghe những bản nhạc “đỏ” hùng tráng, tha thiết, xem những bộ phim cách mạng bất hủ. Và, năm nào tôi cũng bắt gặp cái nhìn như bị thôi miên vào màn hình ti vi của bà, khi xem lại cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày 2.9.1945…”.

Kỷ niệm ngày Quốc khánh là dịp để mỗi người chúng ta cùng ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc và tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc - Hồ Chí Minh - người đã khai sinh ra nước Việt Nam độc lập tự do như hôm nay. Và, với những thế hệ sinh ra sau chiến tranh, dịp đón Tết Độc lập cũng là dịp để nghỉ ngơi, đi chơi, du lịch, dự các lễ hội văn hóa - thể thao, hoặc sum họp với gia đình, tìm về cội nguồn. Với họ, hòa mình vào bầu không khí lễ hội của đất nước như thế cũng là một cách để nhớ về những ngày tháng lịch sử không quên của dân tộc…

  • N. Sương - V. Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Âm vang “Tiếng hát đồng quê”  (01/09/2010)
Cùng bạn đọc  (01/09/2010)
Viết tiếp những trang sử hào hùng!   (01/09/2010)
Phấn đấu xây dựng Bình Định thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của khu vực và cả nước (*)  (01/09/2010)
Mít-tinh kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9  (01/09/2010)
Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn  (01/09/2010)
Mang lại hiệu quả về nhiều mặt   (01/09/2010)
Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi   (01/09/2010)
Trên 2.900 tân sinh viên nhập học   (01/09/2010)
156 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn  (01/09/2010)
Hơn 360 ngàn học sinh bước vào năm học mới   (01/09/2010)
Ước mơ một đôi mắt sáng  (01/09/2010)
Phù Cát: “Mặc áo mới” cho thị trấn  (31/08/2010)
Xét tuyển thêm gần 200 giáo viên, nhân viên  (31/08/2010)
Nghiêm cấm từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh  (31/08/2010)