Có một vị khách đặc biệt từ đất nước Hy Lạp xa xôi, được Ban liên lạc Trung đoàn 803 mời tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Trung đoàn (tổ chức giữa tháng 6.2010 vừa qua tại TP Quy Nhơn). Vị khách có tên là Kostas Sarantidis đó, hay tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, đã kể cho chúng tôi câu chuyện bỏ quân Pháp theo Việt Minh của ông.
Mở đầu câu chuyện, ông bảo: “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể quên được với nước Việt Nam của Cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập tự do”.
|
Ông Nguyễn Văn Lập (bìa trái) vui mừng gặp lại đồng đội cũ. Ảnh: N.P |
Câu chuyện được bắt đầu bằng những ký ức của ông Lập từ khi còn là cậu thanh niên 18 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào tháng 1.1946.
Giờ đây, dù đã 83 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn và nói chuyện bằng tiếng Việt giọng miền Trung rành rọt chẳng kém tiếng mẹ đẻ. Ông kể: “Trước khi gia nhập quân đội Pháp sang Đông Dương, tôi được tuyên truyền là đi để giải giáp vũ khí của quân Nhật. Nhưng đến nơi, sự thực không phải như vậy. Hình ảnh đầu tiên về cái gọi là “những người anh hùng giải phóng” mà tôi nhìn thấy được là những cuộc càn quét, đốt phá, tàn sát dân thường. Trước khi đi, tôi còn được tuyên truyền là Việt Minh tàn ác, giết người, cưỡng bức dân nghèo, nhưng sang Việt Nam mới thấy Việt Minh thực chất lại là những người làm cách mạng. Đất nước Hy Lạp đã trải qua 400 năm thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ, nên những người Hy Lạp chúng tôi hiểu rất rõ thế nào là thân phận thuộc địa. Tôi đã cầm súng tham gia quân đội Pháp với mong muốn được cứu nhân dân Việt Nam, chứ không phải chĩa súng vào những người dân vô tội”.
Chính vì vậy, lòng yêu nước và yêu tự do trong Kostas Sarantidis trỗi dậy. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đến với Việt Minh, gia nhập hàng ngũ Việt Minh ở Trung đoàn 803 (Liên khu V) vào tháng 4.1946, trở thành “anh bộ đội Cụ Hồ”. Cũng tại đây, ông được đồng chí Nguyễn Dân - chỉ huy Trung đoàn - đặt cho cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Ông Lập trải qua nhiều vị trí công tác: Từ địch vận đến trực tiếp chiến đấu, từ chiến sĩ, trở thành trung đội trưởng. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1952, ông được chuyển sang đảm nhận một công việc mới: Cai quản trại tù binh số 3, nơi tập trung tù binh Pháp có nguồn gốc Âu - Phi ở Quảng Ngãi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm ở sân bay Gia Lâm. 11 năm làm việc ở miền Bắc, ông đã từng làm phiên dịch ở Nhà máy in Tiến Bộ, đóng vài bộ phim tài liệu, rồi chuyển ngành, làm lái xe ở mỏ thiếc Cao Bằng, mỏ than Na Dương (Lạng Sơn).
Năm 1965, ông Lập đưa vợ là bà Đỗ Thị Chung, quê gốc ở Hà Nội, về Hy Lạp. Hai vợ chồng ông sinh được bốn người con đều lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và người con út là Nguyễn Thị Tự Do. Ông cho biết, tên người con út cũng chính là một ý nguyện trong suốt cuộc đời ông, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập và tự do.
Những lần về Việt Nam, ông cùng các đồng đội đi thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền cho người dân Quảng Ngãi bị lụt bão, giúp các bệnh nhi ở Đà Nẵng, Hà Nội mổ tim từ tiền bán sách “Vì sao tôi hàng Việt Minh” do ông viết. Để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, năm 2009, ông đã vận động thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp do ông làm Chủ tịch để quyên góp gây quỹ.
Trước khi chia tay về lại Hy Lạp, Nguyễn Văn Lập hứa một ngày không xa, ông sẽ trở lại Bình Định giúp đỡ các cháu bé bị bệnh tim, bị nhiễm chất độc da cam.
|