65 năm xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân ở Bình Định:
Những dấu ấn lịch sử
18:22', 3/9/ 2010 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ thân phận làm nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ chính quyền do dân, của dân và vì dân được thiết lập trên phạm vi toàn quốc.

Tại tỉnh Bình Định, ngày 3.9.1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Tăng Bạt Hổ được thành lập, làm lễ tuyên thệ trước các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tại Sân vận động Quy Nhơn. Hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập ở tất cả các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Ngày 17.10.1945, Chính phủ ra sắc lệnh số 51 về tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tiếp đó, ngày 22.11.1945, ra sắc lệnh số 63 quy định tổ chức bầu cử HĐND và ủy ban hành chính các cấp. Tỉnh Bình Định tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội vào ngày 23.12.1945; bầu cử HĐND tỉnh vào tháng 3.1946 và HĐND xã vào tháng 6.1946. Đây là lần đầu tiên trong đời mình, công dân Bình Định, cả nam lẫn nữ, từ 18 tuổi trở lên được thực hiện quyền dân chủ chính trị cao nhất, tự mình lựa chọn và trực tiếp bầu bằng phiếu kín những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Theo quy định của Chính phủ, HĐND tỉnh, thị xã, xã (thời bấy giờ cấp huyện không có HĐND) là người thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bầu và bãi miễn các chức danh của UBHC. UBHC là cơ quan hành pháp làm nhiệm vụ quản lý hành chính, thi hành các nghị quyết của HĐND và của cấp trên; tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, tỉnh Bình Định về cơ bản là tỉnh hoàn toàn tự do, là hậu phương trực tiếp của chiến trường khu V, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Vì vậy, chính quyền các cấp được củng cố và kiện toàn, vừa dựa vào sức dân để xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, vừa huy động tối đa nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến.

Thời kháng chiến chống Mỹ, sau khi cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959) giành thắng lợi, nhân dân các xã miền núi giải phóng lập ra UBND tự quản làm nhiệm vụ quản lý hành chính trên địa bàn. Năm 1960, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức đại hội đại biểu nhân dân bầu ủy ban cách mạng lâm thời huyện. Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh Bình Định thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1965, khi đại bộ phận vùng nông thôn đồng bằng hoàn toàn giải phóng, ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Bình Định được thành lập. Năm 1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Bình Định đổi thành UBND cách mạng. Năm 1972, UBND cách mạng được thành lập tại ba huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và hai huyện đồng bằng Hoài Ân, Hoài Nhơn hoàn toàn gỉải phóng. Thời kháng chiến chống Mỹ, tuy chưa tổ chức bầu cử HĐND, nhưng UBND cách mạng các cấp đã phát huy tốt vai trò chính quyền do dân, của dân và vì dân, ra sức phát huy dân chủ, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia chống Mỹ, cứu nước, cứu nhà, giành nhiều thắng lợi; đồng thời, tích cực chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện chính sách ruộng đất, chia hàng vạn ha công điền, công thổ cho nông dân thiếu ruộng. Tính ưu việt của chính quyền cách mạng vùng giải phóng là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân vùng địch tạm chiếm hướng về cách mạng, anh dũng đứng lên chống Mỹ-ngụy, giành tự do, dân chủ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 7.1977, toàn tỉnh tiến hành bầu cử HĐND ba cấp tỉnh, huyện, thị xã và cơ sở, thu hút trên 98% nam, nữ cử tri đi bầu. HĐND các cấp tiến hành bầu cử UBND các cấp. Từ đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới, HĐND và UBND các cấp đã phát huy tốt bản chất chính quyền do dân, của dân và vì dân, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động mọi nguồn lực tiềm tàng trong các tầng lớp nhân dân phục vụ nhiệm vụ tái thiết, phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt, HĐND các cấp đã thực hiện hiệu quả chức năng giám sát chính quyền và nhân dân thực thi các chủ trương, chính sách và luật pháp của Nhà nước.

Có thể khẳng định, thời kháng chiến cũng như thời hòa bình, chính quyền các cấp trong tỉnh đã được xây dựng ngày càng vững mạnh, luôn phát huy bản chất cách mạng là chính quyền do dân, của dân và vì dân.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển sâu rộng   (03/09/2010)
Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội  (03/09/2010)
Chuyện về một hàng binh   (01/09/2010)
Tết Độc lập   (01/09/2010)
Cùng bạn đọc  (01/09/2010)
Viết tiếp những trang sử hào hùng!   (01/09/2010)
Phấn đấu xây dựng Bình Định thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của khu vực và cả nước (*)  (01/09/2010)
Mít-tinh kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9  (01/09/2010)
Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn  (01/09/2010)
Mang lại hiệu quả về nhiều mặt   (01/09/2010)
Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi   (01/09/2010)
Trên 2.900 tân sinh viên nhập học   (01/09/2010)
156 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn  (01/09/2010)
Hơn 360 ngàn học sinh bước vào năm học mới   (01/09/2010)
Ước mơ một đôi mắt sáng  (01/09/2010)