Người xưa thường nói, nghề soi cá là một nghề hạ bạc: “Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm”, sớm muộn gì rồi cũng phải giải nghệ, nghèo lại hoàn nghèo. Ấy vậy mà, ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, nghề “săn hà bá” trở thành một nghề kiếm sống chuyên nghiệp của không ít hộ nông dân...
|
Bàu Rong, nơi có nguồn cá tôm tự nhiên khá dồi dào ở Hoài Nhơn. |
* Sống nhờ sông nước
Những người làm nghề đánh bắt cá đồng, hầu như cả ngày họ phải sống nơi sông nước, dầm mình dưới sông, hay bơi xuồng đi dọc bờ kênh. Thời gian rảnh rỗi, họ lại chăm chút đồ nghề với các loại chĩa, đèn pha, bình ắc qui, các loại nôm, đó…
Anh Huỳnh Đông, 42 tuổi, ở tổ 3, khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, bị tật từ nhỏ, chân trái không hoạt động được. Trước anh làm nghề sửa xe đạp, nhưng vốn ít, không trụ được nên chuyển sang kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá ở Bàu Rong (khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn). Anh Đông cho biết: “Mỗi ngày tôi kiếm được chừng 2-3 kg cá, bán được 30.000-40.000 đồng, thu nhập tuy không cao nhưng được cái ổn định. Ngày trước, Bàu Rong chỉ có 2 người đánh cá, giờ đã có hơn 10 người, nguồn sống vì thế cũng thu hẹp dần”.
Tuy nghề chính là thợ hồ, nhưng anh Nguyễn Văn Hoa, 41 tuổi, lại được “phong” là “rái cá” của vùng sông nước dọc sông Lại. “Đi bắt cá, soi ếch... không chỉ vì kinh tế, mang lại bữa ăn tươm tất cho gia đình, thậm chí còn bán “chiến lợi phẩm” ra chợ, mà soi đêm còn là cái thú nữa. Tuy vậy, nghề này cũng không kém phần gian nan, vất vả, vừa phải lặn lội nơi nước sâu, vừa phải thức trắng đêm, có lúc phải dầm mưa, đội sấm, đội chớp. Trước đây, khi các đầm nước còn rậm rạp, đi soi ngán nhất là gặp rắn độc như mái gầm, cạp nia…”- anh Hoa tâm sự.
* “Tuyệt chiêu” của nghề
Điều kiện đầu tiên để hành nghề “đâm hà bá” là sắm sửa bộ đồ nghề sao cho thích hợp với điều kiện nơi đánh bắt để có được nhiều cá. Ngày xưa, dân soi đêm hay dùng đèn măng xông, nhưng bây giờ chủ yếu dùng đèn pha và chiếc bình ắc qui. Đèn pha phải là loại có chụp gom ánh sáng và phải là thứ ánh sáng trắng xanh, thường phải đeo trước trán để ánh sáng đi thẳng về phía trước giống như đèn của công nhân khai thác mỏ. Bình ắc qui thông thường là loại 6 vôn hoặc 8 vôn, nếu đi soi trên ruộng thì phải dùng túi vải đeo bình trên lưng, nếu đi soi dưới mương thì bình sẽ được đặt dưới gầm xuồng.
|
Tuy tàn tật, nhưng anh Huỳnh Đông vẫn mưu sinh với nghề đánh bắt cá. |
Đối với các dụng cụ đánh bắt, đa phần những người “sát cá” tự làm. Những dụng cụ thể hiện bề dày kinh nghiệm của họ. Anh Hoa có bí quyết đan đó hoàn toàn bằng sợi cước chứ không phải bằng tre như đó thông thường. Anh nhất quyết không cho tôi xem dụng cụ độc đáo của mình: “Tôi mới bị mất 2 cái, tìm khắp nơi mà chưa phát hiện kẻ cắp. Đây là bí quyết “câu cơm”, không thể tiết lộ cho người ngoài được”.
Hơn 25 năm trong nghề, ngoài bí quyết đan dụng cụ, anh Hoa còn tích lũy nhiều kinh nghiệm. Người bắt cá giỏi phải thuộc lòng đặc tính của từng loài cá, từ đó có cách dùng phương tiện đánh bắt và mồi phù hợp. Vào tháng 3 và tháng 7, cá chép tìm nơi nước chảy mạnh để đẻ. Con mái bơi trước, đẻ trứng trượt theo con nước chảy, cá đực bơi sau thụ tinh cho trứng. Cá tràu được xếp vào một trong những loại cá khó bắt. Loại cá này hay nằm canh ở những nơi nước cạn, khi có nhái hoặc các loài cá nhỏ bơi qua, cá tràu sẽ đớp ngay. Từ tháng 1 đến tháng 6, cá tràu hoạt động nhiều nên cần mồi tươi, đang cử động như nhái, cá sống. Từ tháng 7 đến tháng 12, cá tràu chỉ cần giữ lạnh trong các gốc cây, bụi rậm, nên hay ăn mồi chết như trùn, sâu keo, cá chết… Cá rô, cá sặt khi gặp ánh đèn chiếu sáng thì nằm im re, rất dễ bắt. “Người sành nghề chỉ cần nhìn mặt nước là biết có cá hay không. Khi gặp luồng cá, phải có “chiến thuật” để “hốt trọn” bầy cá, không hấp tấp vội vã, đàn cá sẽ tản ra mất”- anh Hoa tiết lộ.
* * *
Hồi xưa, cá đồng là nguồn thực phẩm quan trọng của nông dân. “Ăn gạo đồng mình, ăn con cá, con cua đồng mình” là cuộc sống của người nhà quê. Bây giờ cá đồng tự nhiên ngày càng ít dần. Con ếch, con nhái cũng thưa dần tiếng kêu gọi bạn vào những đêm mưa. Có người bảo, do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu dùng nhiều trong nông nghiệp. Tuy nhiên, theo những người trong nghề, chính cách đánh cá tận diệt đã làm cho cá không kịp sinh sôi. Trước, để bắt cá đồng, người ta chỉ dùng lưới 4 phân, giờ hầu hết đều dùng lưới 1 phân, những con cá con bé xíu cũng không thoát. Bên cạnh đó, người dùng xung điện xiếc máy cũng góp phần tận diệt nguồn tôm cá.
Anh Hoa còn cho biết một thủ phạm khác mà ít người biết mang tên lia thia thang. Cá lia thia thang thường sống ở các con suối, nhỏ bằng ngón tay út, có sọc nhạt hơn loài lia thia đồng (loài cá thường bắt về nuôi để đá nhau). Những ngày nắng kéo dài, trời chợt đổ mưa, trên những đồng nước thể nào cũng xuất hiện từng bầy lia thia thang. Chúng canh các loài cá khác đẻ trứng xong, sơ sẩy là ập vào ăn hết trứng. Loài cá này có vảy cứng, thường chỉ dùng để cho heo hoặc nuôi cá tràu…
|