Kế hoạch hành động “Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Bình Định giai đoạn đến năm 2010” được triển khai khá thuận lợi trong bối cảnh hành lang pháp lý về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện; Ban VSTBPN tỉnh được kiện toàn, củng cố; các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ hoạt động này. Tuy vậy, kết quả không hẳn đều đạt như mong muốn.
|
Bà Phạm Thị Thu Hồng (người đứng) - Phó ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hành động VSTBPN của tỉnh với Đoàn kiểm tra Ủy ban Quốc gia VSTBPN Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua. |
* Nâng cao quyền bình đẳng cho phụ nữ
5 năm (2005-2010) là giai đoạn thứ hai Bình Định thực hiện Kế hoạch hành động Chiến lược quốc gia VSTBPN đến năm 2010, nhằm đạt đến mục tiêu: “Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho phụ nữ. Tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống”.
Kết quả triển khai các mục tiêu về thực hiện các quyền bình đẳng giới của phụ nữ cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. Trong lĩnh vực lao động- việc làm, tỉ lệ lao động nữ có việc làm tăng dần và hiện đạt 50% trong tổng số lao động có việc làm mới hàng năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Tỉ lệ lao động nữ thất nghiệp ở thành thị hiện cũng còn dưới 5%. Ngoài ra, 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cũng như huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục-đào tạo nói chung và giáo dục-đào tạo vùng sâu, vùng xa nói riêng, đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Điều đó tạo điều kiện để Bình Định đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng tỉ lệ nữ được đào tạo lên 35% trong tổng số người được đào tạo trên đại học. Mặt khác, từ sự quan tâm tạo điều kiện của các cơ quan, đã có trên 30% nữ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về chính trị, hành chính và chuyên môn nghiệp vụ, đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ trung bình của phụ nữ trong tỉnh đã tăng từ 71 tuổi (2005) lên 73 tuổi (2010). 60% phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần trở lên; tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản cũng đã giảm từ 80/100.000 (2005) xuống còn 70/100.000 (2010). Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, có 95% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế. Đây là hệ quả của việc triển khai thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia về sức khỏe. Tuy vậy, một số chỉ số về làm mẹ an toàn vẫn còn có sự chênh lệch nhiều giữa các huyện đồng bằng, trung du với huyện miền núi.
|
Kế hoạch hành động VSTBPN của tỉnh hướng đến mục tiêu nâng tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị. - Trong ảnh: Các nữ đại biểu dự ĐH đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ 16 trong giờ giải lao. |
* Quá ít nữ lãnh đạo
Tuy vậy, mục tiêu phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tăng số lượng phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các ngành các cấp, thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Ngoại trừ tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh ta đạt 37,5%, vượt chỉ tiêu đề ra, các chỉ tiêu còn lại đều không đạt. Tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng thuộc nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng ở Bình Định chỉ 8,16%, tức chỉ hơn một nửa chỉ tiêu đề ra. Việc phấn đấu đạt tỉ lệ 50% cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội có nữ tham gia ban lãnh đạo cũng mới đang ở mức “phấn đấu”. Mục tiêu có nữ tham gia ban lãnh đạo ở các tổ chức, doanh nghiệp có trên 30% là lao động nữ cũng chỉ có ngành y tế, giáo dục là đạt, còn lại các ngành khác vẫn chưa đạt. Hiện nay, tỉ lệ nữ tham gia trong các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2005-2010 đạt 13,8%. Tuy nhiên, so với nam giới thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập nâng cao trình độ, được cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần; tuy vậy, thực tế tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo rất ít, ngay cả với những ngành có đông nữ như giáo dục, văn hóa, không khỏi khiến nhiều người lưu tâm.
Về điều này, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh, nhận định: “Sở dĩ có điều này là vì, nhận thức về giới có chuyển biến, tuy nhiên chưa cao, đặc biệt là hành động thực tế trong việc thực hiện VSTBPN của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi coi công tác VSTBPN là việc riêng của phụ nữ, nhiều đơn vị, địa phương còn khoán “trắng” hoạt động này cho hội liên hiệp phụ nữ và bộ phận nữ công. Ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử về tuổi và điều kiện tuyển dụng giữa nam và nữ. Mặt khác, về phía mình, cũng phải thừa nhận rằng, nhiều phụ nữ còn tâm lý tự ti, an phận, chưa tạo được niềm tin cho lãnh đạo và xã hội”.
|