Tản mạn đầu năm học
20:59', 6/9/ 2010 (GMT+7)

Những ai có mặt trong buổi lễ khai giảng của Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn không khỏi xúc động khi thấy các HS khuyết tật hát Quốc ca bằng cử chỉ. “Tiến lên, cùng tiến lên”: các em đưa tay ra phía trước, “nước non Việt Nam ta”: các em vẽ một hình chữ S…

Dự lễ khai giảng một số trường, tôi thấy có những trường HS không hề hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Thậm chí có em không nhìn Quốc kỳ, miệng nhóp nhép kẹo cao su hoặc làm việc khác… làm giảm không khí trang nghiêm của buổi lễ. Còn nhớ, cuối năm 2009, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo tất cả HS, sinh viên của các trường phổ thông, đại học đều phải hát Quốc ca trong lễ chào cờ thay vì nghe băng hát để tăng thêm phần trang trọng trong buổi lễ chào cờ, để giáo dục thêm cho HS tinh thần yêu nước… Vậy nhưng, quy định đó đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.

 

Học sinh khuyết tật Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn hát Quốc ca bằng cử chỉ.  Ảnh: Thanh Vy
 

Nhân nói đến ngày khai giảng, một số bạn bè quen của tôi và thầy cô giáo đều có chung nhận xét: hình như lễ khai giảng ngày càng ít ý nghĩa hơn, chứ không như “Tôi nhớ mãi buổi sớm mai hôm ấy. Một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh… Hôm nay, tôi đi học…”… như nhà văn Thanh Tịnh đã từng miêu tả.

Bởi lẽ để tránh thiên tai, lũ lụt, bù vào những ngày nghỉ lễ trong năm, thì HS đã bắt đầu đi học từ ngày 16.8. Trước đó, cả hè, các em vẫn bù đầu học thêm, học nâng cao. Rồi đến ngày 5.9, ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày khai giảng chính thức… thì để cho tiện, các trường đã rải rác khai giảng từ ngày 3.9, 4.9… Các cháu HS lớp một ngơ ngác, tranh nhau cãi ngày nào là ngày khai giảng: ngày đi học đầu tiên hay đến ngày 5.9. “Nên chăng là làm lễ khai giảng ngay trong ngày tựu trường đầu tiên. Người lớn thì không nói làm gì, nhưng với các em HS lớp một, thì với cách làm như bây giờ, các em sẽ chẳng có kỷ niệm sâu sắc gì về lễ khai giảng đầu tiên của mình cả” - một giáo viên nói.

Và đến nay, khi con mình đã vào học được 20 ngày, bạn tôi vẫn ấm ức một nỗi đã không thể gởi con mình vào lớp của một cô giáo có uy tín ở trường. “Cô giáo này rất mô phạm và nhiệt tình. Con tớ học lớp một, phải cần được những cô giáo như thế kèm cặp…” - cô bạn ấm ức giải thích. Phụ huynh nào cũng thích con được vào những lớp như thế: con học nề nếp đã đành, còn học được từ cô phong thái mô phạm.

Còn một giáo viên khẳng định: không chỉ phụ huynh, HS mà ngay cả giáo viên cũng thích được chủ nhiệm và dạy các “lớp chọn”, “lớp lựa”. Bởi lẽ, đứng về phương diện giáo viên, dạy ở những lớp ấy nề nếp của HS rất tốt; thu các khoản phí “cực nhanh”, phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc học của con… Bởi vậy, vào đầu năm học, không chỉ phụ huynh HS, giáo viên cũng luôn có những cuộc chạy đua ngấm ngầm vào các “lớp chọn”, “lớp lựa”.

Năm học mới chỉ bắt đầu được 20 ngày…

  • Thanh Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Học hết mình, chơi xả láng”   (06/09/2010)
Địa chỉ giáo dục tin cậy  (06/09/2010)
Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt   (06/09/2010)
Được đầu tư trên 81 tỉ đồng xây dựng ký túc xá  (05/09/2010)
Trao tặng 581 Huy hiệu Đảng đợt 2.9  (05/09/2010)
Bổ sung, đổi mới đội ngũ cán bộ  (05/09/2010)
Lãnh đạo tỉnh dự khai giảng năm học mới tại một số trường  (05/09/2010)
Khắp nơi rộn ràng khai giảng năm học mới   (05/09/2010)
18 học sinh Bình Định nhận học bổng Odon Vallet   (04/09/2010)
Diễn tập chống dịch cúm gia cầm, cúm A-H5N1 ở người   (04/09/2010)
Tặng 43 suất học bổng cho học sinh, sinh viên   (04/09/2010)
Dự án Phục hồi chức năng NKT dựa vào cộng đồng đạt kết quả tốt   (04/09/2010)
Quá ít nữ lãnh đạo   (04/09/2010)
Mưu sinh nơi con nước …  (04/09/2010)
Chào năm học mới!   (03/09/2010)