Họ là những người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo và làm công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chức danh của họ, gọi vắn tắt là “cán bộ xóa đói giảm nghèo”.
|
Bộ mặt xã An Nghĩa (An Lão) đã khang trang hơn, cuộc sống người dân cũng khá hơn nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, trong đó góp một phần trực tiếp là những cán bộ làm công tác XĐGN. Ảnh: Văn Trang
|
* Vất vả
Quãng đường từ An Hòa lên An Nghĩa (An Lão) dài hơn 20km, đều đặn sáng thứ hai đi, chiều thứ sáu về. Công việc là tham gia cùng chính quyền xã An Nghĩa phân loại hộ nghèo, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo của Nhà nước như Chương trình 134, 135, dự án hỗ trợ nhà ở, cùng các chính sách khác của Ban dân tộc... Anh Phạm Minh Đạo khái quát về công việc mới của mình như thế, sau khi anh nghỉ chế độ ở Công ty Lâm nghiệp An Lão, vào năm 2001.
Thường, cán bộ chuyên trách công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa là những cán bộ của huyện được tăng cường hoặc cán bộ nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe và khả năng công tác, được huyện hợp đồng để làm việc. Như anh Nguyễn Văn Cúc, dẫu công việc của một cán bộ XĐGN không “dính dáng” gì đến công việc cũ (anh Cúc nguyên là Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Huyện Đội Hoài Ân), nhưng nhờ trước đó được dự các lớp tập huấn dành cho cán bộ tăng cường giúp cơ sở, cán bộ XĐGN, cộng với những mối quan hệ rộng rãi, nên anh “bập” vào việc cũng nhẹ nhàng. Anh chia sẻ: “Công việc của tôi là tham mưu giúp Đảng ủy, UBND xã Bok Tới xây dựng các đề án, kế hoạch hỗ trợ cho các hộ đói nghèo của địa phương. Muốn làm được điều đó, tôi phải nắm rõ nguyên nhân đói nghèo của từng hộ để có hướng đề xuất cụ thể. Ví dụ, những hộ nghèo do thiếu đất sản xuất thì đề nghị hỗ trợ đất; những hộ nghèo do thiếu vốn thì đề nghị xét cho họ được vay vốn ưu đãi; nhóm hộ nghèo do thiếu kinh nghiệm, kiến thức nông nghiệp thì tôi liên hệ hội nông dân, trạm khuyến nông.., tổ chức các lớp tập huấn cho họ…”.
Vất vả, đó là điều hiển nhiên khi nói về công việc của những cán bộ XĐGN. Chỉ riêng chuyện điều tra hộ nghèo thôi cũng đã nhiều chuyện phức tạp rồi. Anh Lê Dũng, cán bộ XĐGN xã Canh Hòa (Vân Canh) tâm sự: “Làm công tác XĐGN ở một xã đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo chiếm hơn 70% như Canh Hòa rất vất vả: xã có 3 làng, làng này cách làng kia từ 4 đến 7 km, việc điều tra hộ nghèo phải làm vào ban đêm vì ban ngày bà con đi làm hết, mặt khác thời điểm điều tra lại tập trung vào tháng 9, tháng 10 là mùa mưa. Công tác điều tra cũng khá phức tạp vì hộ nào cũng muốn “được” nghèo để được hỗ trợ. Vì thế, tôi phải phối hợp với ban quản lý làng và người dân xung quanh để tìm hiểu, đánh giá một cách chính xác, nhằm tránh thắc mắc, kiện cáo trong bà con, đồng thời có cơ sở giúp họ thoát nghèo hiệu quả”.
Mà đó mới chỉ là chuyện điều tra hộ nghèo. Còn lại, hầu hết công việc của cán bộ XĐGN là hướng dẫn người dân theo cách cầm tay chỉ việc. Vì thế, chuyện cán bộ ra đồng lội ruộng cùng người dân là bình thường.
* Niềm vui và trăn trở
Nhìn lại 9 năm gắn bó với công tác XĐGN ở An Nghĩa, anh Phạm Minh Đạo mỉm cười: “Lúc tôi mới lên, ở đây có trên 90% số hộ thuộc diện nghèo (theo tiêu chí cũ), năng suất lúa chỉ chừng 30 tạ/ha. Còn bây giờ, năng suất cây lúa đã là 40 tạ/ha, người dân đã biết nhiều hơn những kiến thức KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, và tỉ lệ hộ nghèo thì còn khoảng 60% (theo tiêu chí mới). Đó là kết quả làm tôi vui nhất vì trong đó có sự cố gắng của mình”.
Còn với anh Lê Dũng, từ các mô hình do anh đề xuất, tham mưu như: trồng keo trên đất đồi dốc, đất không sản xuất nông nghiệp được; trồng mì cao sản; làm mô hình vườn rừng, với các loại cây xen canh chuối, thơm, đu đủ, ớt, sả; mô hình nuôi bò lai…, mỗi năm Canh Hòa đã có từ 6 - 10% hộ thoát nghèo. Đến nay, hộ nghèo của xã còn khoảng 50%.
Tuy vậy, cán bộ XĐGN không chỉ giúp người dân làm kinh tế. Ông Nguyễn Cần - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - trong một lần trò chuyện với chúng tôi, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của 3 cán bộ tăng cường làm công tác XĐGN ở Đắk Mang, Bok Tới và Ân Sơn trong việc giúp các địa phương này triển khai các chương trình giảm nghèo, giúp người dân biết cách làm ăn, đồng thời trong các mặt hoạt động khác như vệ sinh môi trường, nề nếp sinh hoạt… Và nói như anh Cúc, để giúp người dân thoát nghèo thì phải nâng cao trình độ cho họ về mọi mặt. Vì thế, ngoài công việc được giao, anh Cúc còn góp ý, giúp người dân Bok Tới sửa chữa các tập quán lạc hậu trong cúng kiếng, ma chay gây lãng phí. Hay như chị Võ Thị Hiệp, cán bộ XĐGN xã Canh Thuận (Vân Canh), thì ngòai việc tận tình chỉ bảo cho bà con biết cách làm ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm sao cho có lợi nhất, còn hướng dẫn cho phụ nữ người dân tộc thiểu số biết chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí vào việc ăn uống linh đình hoặc vào những việc không cần thiết, nhằm có vốn để tái sản xuất và có tích lũy, tạo động lực phát triển tiếp.
Tuy vất vả như vậy, nhưng hầu hết các cán bộ XĐGN chúng tôi gặp đều tỏ ra rất tâm huyết với công việc của mình. Tâm huyết, nên những nỗi trăn trở của họ cũng chính là sự đồng cảm với nơi mình gắn bó. Đó là trình độ dân trí của bà con người dân tộc thiểu số còn quá thấp, nên việc tiếp thu KHKT rất hạn chế; là đường giao thông nông thôn còn lắm khó khăn; là chưa có cơ chế để xã miền núi tự lực trong tiếp nhận, hưởng lợi và sửa chữa các công trình được hỗ trợ; là tư tưởng ỷ lại, lười lao động trong một bộ phận người dân…
Và một điều nữa, cho chính mình, đó là phương tiện làm việc của cán bộ XĐGN chưa đáp ứng yêu cầu công việc, là mức phụ cấp còn quá thấp so với công việc phải làm (từ 900 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, tùy theo địa bàn)…
Dẫu vậy, các cán bộ XĐGN đều khẳng định họ vẫn sẽ gắn bó với công việc, bởi niềm vui của người dân khi thoát nghèo cũng chính là niềm vui của họ.
|