Đảng bộ xã Cát Tài (Phù Cát) mang đầy đủ đặc trưng của một đảng bộ xã miền núi thuần nông. Tuy nhiên, thời gian qua, Đảng ủy xã đã làm tốt công tác lãnh đạo đưa địa phương phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển kinh tế qua việc chuyển đổi triệt để cơ cấu mùa vụ và cây trồng, xây dựng những cánh đồng 70 triệu đồng/ha.
Với 215 đảng viên sinh hoạt ở 14 chi bộ trong đó có 9 chi bộ thôn, Cát Tài được coi là Đảng bộ có số đảng viên đông thứ 3 của Phù Cát (chỉ sau thị trấn Ngô Mây và xã Cát Hanh). Qua đánh giá chất lượng cơ cở đảng năm 2009, Cát Tài có 9 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó có 5 chi bộ thôn và 5 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đáng chú ý là trong mười năm qua, ở Đảng bộ này không có tình trạng tố cáo cán bộ, đảng viên; không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Ông Nguyễn Bá Phương, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Cát Tài, cho biết: “Nhờ các chi bộ đảng tổ chức sinh hoạt một cách bài bản cộng với việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nên đã hạn chế và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của đảng viên”. Ngày 17 hàng tháng, Đảng ủy xã trực báo nắm tình hình tại các chi bộ và nhìn nhận lại xem có vấn đề nào nảy sinh để giải quyết. Nội dung các buổi sinh hoạt cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Khi thì đặt mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng phối hợp với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khi thì đặt mạnh công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị như phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền…
Đảng bộ xã Cát Tài đặt biệt coi trọng công tác xây dựng chính quyền từ việc làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nếu như trước năm 2005, đội ngũ cán bộ xã chưa có ai qua đại học, chỉ có 3 cán bộ có trình độ trung cấp chuyên môn, 4 cán bộ trung cấp lý luận chính trị thì giờ đây xã đã có 4 cán bộ có trình độ đại học, 7 có trình trung cấp chuyên môn và 13 cán bộ qua trung cấp lý luâïn chính trị; đang tiếp tục đào tạo 4 cán bộ đại học, 5 cán bộ trung cấp chuyên môn.
Xét về địa hình, xã Cát Tài không được thiên nhiên ưu đãi khi nằm giữa một bên là dãy núi Bà và một bên là con sông La Tinh mà khoảng cách từ núi ra sông nơi rộng nhất vẫn chưa đầy 500m. Độ dốc cao là nhược điểm khiến bình nguyên Cát Tài không mấy màu mỡ. Đất hẹp người đông, Đảng bộ xã Cát Tài đã lãnh đạo nhân dân quyết tâm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng và là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi ở huyện Phù Cát. Từ 3 vụ lúa, xã đã vận động nhân dân thực hiện 2 vụ lúa một vụ màu, bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mà điển hình là mô hình trồng ớt xen đậu phụng, bắp lai đạt 72 triệu đồng/ha/năm… Đời sống của người dân Cát Tài không ngừng được cải thiện; nhà ở đơn sơ không còn, nhà 2 tầng mọc lên ngày càng nhiều; các con đường bê tông liên thôn, liên xóm được bê tông hóa hầu hết. Điều đáng ngạc nhiên, theo ông Nguyễn Bá Phương, là gần 50% hộ dân ở Cát Tài đều có cơ sở sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Đó là nguồn lực dồi dào trong dân giúp Cát Tài trở thành “đất học” với rất nhiều thế hệ thanh niên ở đây được học hành đến nơi đến chốn.
“Thanh niên Cát Tài trưởng thành và “bay nhảy” khắp đất nước. Mỗi tháng có đến vài hồ sơ gửi về Đảng ủy để xác minh lý lịch kết nạp đảng song nguồn kết nạp đảng tại chỗ lại khó khăn”, ông Phương vừa tự hào lại vừa băn khoăn.
|