Sinh viên trọ học đã khổ, học sinh (HS) trọ học lại càng khổ hơn khi các em còn nhỏ hơn về tuổi đời, chưa trưởng thành về tâm sinh lý. Có những trường hợp HS đã phải nghỉ học giữa chừng…
* Trọ học xa nhà
Với hai em Huỳnh Thị Thu Đạt và Huỳnh Thị Thu Nguyên, HS lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thì thời gian đầu từ quê (xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ) vào Quy Nhơn trọ học không hề dễ dàng khi phải tự lo chỗ trọ, người thân lại không có ở bên. “Nhà em nghèo lắm, có đến 8 anh chị em. Ba mất sớm, một mình mẹ phải lo toan mọi việc nên rất khó khăn, vất vả. Nếu không có học bổng SPELL hỗ trợ thì em không bao giờ dám mơ vào Quy Nhơn học...” - Đạt nói. Ngoài học bổng, hàng tháng Đạt cũng tiêu tốn tiền nhà thêm mấy trăm ngàn đồng.
|
Trần Văn Thanh, HS lớp 11F5 Trường THPT Trưng Vương (nhà ở xã Nhơn Hải, Quy Nhơn) đã phải vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi ước mơ đèn sách. Ảnh: Thu Hà |
Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, những HS trọ học như Đạt, Nguyên không hiếm. Năm học này, trường có 712 HS, trong đó có 250 HS ở các huyện. Ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bởi khu ký túc xá của Trường quá nhỏ nên chỉ ưu tiên giải quyết chỗ ở cho khoảng 50 HS có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách. Còn lại, phải ở trọ bên ngoài.
Năm học 2010-2011 này, Trường THPT Trưng Vương có 219 HS ở các xã đảo, bán đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Châu về học. Bà Nguyễn Thị Phương Minh, Phó Hiệu trưởng trường nhận xét: “Phần lớn HS đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực lại yếu. HS trọ học xa nhà, ngoài khó khăn về kinh tế, thì việc thay đổi môi trường sống, không có ba mẹ bên cạnh bảo ban, có thể nảy sinh những vấn đề bất ổn khác khi các em còn quá nhỏ, tâm sinh lý chưa trưởng thành…”. Do đó, có trường hợp HS mới chân ướt chân ráo sang Quy Nhơn học chưa được bao lâu đã “dính” những chuyện không hay. Mới đây, một HS lớp 10 của trường, quê ở xã đảo Nhơn Châu, bị bạn đánh đến nỗi phải nhập viện.
Cô Võ Thị Hồng Xuân, giáo viên Trường THPT Trưng Vương, nhiều năm chủ nhiệm lớp có nhiều HS xã đảo, cho biết thêm: HS xã đảo thường khó khăn bởi kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề biển. Mùa biển động, có em phải nhịn đói đến trường. Việc thu học phí và các khoản thu khác, dù đã được miễn giảm nhiều khoản, vẫn rất khó thu và thu chậm. Lớp 12S7 năm nay (do cô Xuân chủ nhiệm) cũng có một số HS khó khăn, hè các em không về nhà mà phải đi làm thêm để có tiền trang trải học phí cho năm học mới.
* Để không lỡ ước mơ đèn sách
Năm học này, Trần Văn Thanh (Nhơn Hải, Quy Nhơn) HS lớp 11F5, Trường THPT Trưng Vương, lẽ ra học lớp 12, nhưng Thanh đã xin nghỉ học 1 năm để kiếm tiền rồi mới học tiếp. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ của Thanh, nói: “Nhà 5 đứa con thì nó là đứa học cao nhất… nhưng cũng phải “đứt đoạn” giữa chừng. Năm nó học lớp 10, cả nhà hợp sức lại mới lo nổi một tháng 700-800 ngàn đồng cho nó. Đến khi gia đình không lo nổi thì nó phải tự lo. Làm thêm nhiều quá nên nó không còn sức để học, học yếu. Nó nói đã mất căn bản nên lên lớp 12 cũng không thi nổi tốt nghiệp, chi bằng để con nghỉ học, kiếm tiền học lại…”.
Làm thêm nhà hàng, lương tháng được 1,2 triệu đồng, Thanh tiết kiệm được 5 triệu đồng nhờ mẹ giữ hộ để lo học phí. Vào năm học mới, chủ nhà hàng tạo điều kiện cho Thanh ăn, ở miễn phí; buổi chiều đến quán phụ việc khoảng 9 giờ tối thì được nghỉ. “Em tắm rửa, học bài xong thì đã quá nửa đêm rồi. Mệt mỏi, nhưng phải cố thôi, dù gì cũng phải tốt nghiệp THPT. Nếu được lên đại học, em thích học ngành quản trị kinh doanh”- Thanh nói.
Vượt khó đến trường, tiếp tục theo đuổi giấc mơ đèn sách là mục tiêu mà HS gia cảnh khó khăn vẫn đã và đang theo đuổi. Em Mai Văn Hiếu, HS lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tâm sự: “Ba mất, mẹ đi bán ve chai, mấy anh chị cũng đều tha hương lập nghiệp, hợp sức lại để nuôi mình em. Bởi vậy, em luôn biết dè sẻn; cơm ăn nhiều khi chỉ lưng lửng bụng thôi. Nếu “thả cửa” thì phải ăn 2 suất, nhưng một suất ăn bữa nay đã là 12.000 đồng rồi…”.
Ông Phạm Quang Bắc cho biết, để tạo điều kiện cho các HS nghèo, nhà trường thường xuyên vận động các “mạnh thường quân” hỗ trợ gạo, tặng học bổng cho các em nghèo, vượt khó học giỏi. Còn cô Xuân thì chia sẻ: “Tôi nghĩ, với những HS quá khó khăn thì không chỉ miễn giảm học phí, các loại đóng góp của trường mà còn phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em đến trường. Tôi nghĩ, năm nào chúng ta cũng đóng góp vào Quỹ Khuyến học các cấp, thì trường hợp những HS khó khăn như trên cần phải được hỗ trợ, để các em không lỡ ước mơ đèn sách”.
|