Năm 2009, UBND TP. Quy Nhơn đầu tư gần 3 tỉ đồng cải tạo, sửa chữa kho 35 Hàm Nghi để mở rộng chợ Khu Sáu (phía đông đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn), phục vụ nhu cầu mua bán của tiểu thương và người dân.
|
Trong khi đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Lai biến thành chợ…
|
Tuy khu chợ mới được xây dựng khang trang, rộng rãi và đã đi vào hoạt động nhưng tình trạng tiểu thương lấn chiếm lòng đường, lối đi trong chợ để mua bán vẫn còn tiếp diễn với mức độ trầm trọng hơn.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Võ Lai đến đường Vũ Bảo) biến thành chợ với kẻ mua người bán tấp nập, lòng đường chỉ còn đủ… một chiếc xe đạp lưu thông. Vào những lúc đông người, xe đạp cũng không còn lối để đi nên cảnh nhiều người đi xe đạp, xe máy phải “xuống xe dẫn bộ” trở nên phổ biến. Mức độ lấn chiếm tại đường Võ Lai, Vũ Bảo (đoạn tiếp giáp chợ Khu Sáu) ít hơn nhưng tại đây cũng thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, mất an toàn giao thông (ATGT).
Được biết, hàng ngày, tất cả những người lấn chiếm lòng đường để mua bán đều đóng cho Ban quản lý chợ một khoản tiền nhất định. Như vậy, vô hình chung, Ban quản lý đã đồng tình với hành vi này của các hộ tiểu thương. Hiện nay đang là Tháng an toàn giao thông, Ban quản lý chợ Khu Sáu, Ban ATGT phường Ngô Mây cần phải kiên quyết dọn dẹp tình trạng lấn chiếm lòng đường để mua bán, lập lại trật tự giao thông các đoạn đường xung quanh chợ.
|
... thì trong khu chợ cũ lại có một diện tích bị bỏ trống rất hoang phí.
|
Việc sắp xếp, bố trí các gian hàng bên trong chợ cũng còn nhiều bất cập. Trong khi các hộ tiểu thương lấn chiếm lòng đường để làm nơi buôn bán thì phía trong khu chợ cũ, một diện tích khá lớn bị bỏ trống, được một số người tận dụng làm nơi để xe. Như vậy liệu có quá lãng phí? Câu hỏi này xin đặt ra cho Ban quản lý chợ Khu Sáu.
Chưa hết, bên trong khu chợ mới, Ban quản lý đã “tận dụng” các lối đi để phân cho tiểu thương ngồi mua bán. Việc làm này khiến các lối đi bị thu hẹp, không đúng như thiết kế ban đầu, làm cho người đi chợ phải chen lấn nhau. Đây là cơ hội tốt để những kẻ gian trà trộn vào móc túi người đi chợ. Còn nếu xảy ra sự cố, như hỏa hoạn chẳng hạn thì hậu quả là khôn lường.
Điểm a, khoản 5 Điều 15 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2.4.2010 quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông, giữ xe; sửa chữa hoặc rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông. |
|