Từ năm học 2010-2011, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV) là quy định bắt buộc. Nhưng, với mức phí tăng lại không chi tiền hoa hồng cho người trực tiếp làm công tác thu ở trường, là những lực cản không nhỏ trong việc triển khai BHYT HSSV.
* Nguy cơ sụt giảm
Thời điểm để thực hiện 100% thẻ BHYT cho HSSV là 1.1.2010. Với Bình Định, việc đóng BHYT HSSV được tính theo năm học. Từ đối tượng tham gia tự nguyện với mức cố định và theo vùng miền (thành thị 120 ngàn đồng/năm, nông thôn 100 ngàn đồng/năm), HSSV trở thành đối tượng bắt buộc với mức đóng 3% lương tối thiểu. Như vậy, trừ khoảng 30% ngân sách địa phương hỗ trợ, phụ huynh phải đóng 184 ngàn đồng mua thẻ BHYT. Đối với đối tượng HSSV cận nghèo thì được giảm 50% mệnh giá thẻ với mức đóng 131.400 đồng.
|
BHYT học sinh, sinh viên có ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên và chia sẻ cùng cộng đồng xã hội. Nhưng điều phụ huynh quan tâm là nghĩa vụ phải đi đôi với quyền lợi. Ảnh: Thu Hiền |
Việc đưa nhóm HSSV vào diện tham gia BHYT bắt buộc cũng đồng thời bãi bỏ cơ chế chi 4% tiền hoa hồng trong tổng số đầu thẻ thu được dành cho người trực tiếp làm công tác thu ở trường. Những điểm mới này được dự báo là sẽ khó khăn cho các trường, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn.
Trước đây, Trường THCS Phước Hòa (huyện Tuy Phước) là một trong những điểm trường được cơ quan BHXH khen thưởng với kết quả huy động khá đông HS tham gia BHYT tự nguyện. Năm học 2007-2008, trường có 917/1.125 HS tham gia BHYT (chiếm 81,5%); năm học 2008-2009 là 922/1.052 HS (chiếm 87,6%) và năm học 2009-2010 là 709/988 HS (chiếm 71,8%). Năm học này, trường có 933 HS.
Ông Lê Minh Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường, lo ngại: “Vào đầu năm học, phụ huynh HS phải đóng nhiều khoản bắt buộc và tự nguyện nên trường dành tháng 9 để thu hai khoản BHYT và bảo hiểm thân thể cho HS, các khoản thu khác đều phải lùi lại. Năm học này, mức phí BHYT HS tăng gần như gấp đôi, trong khi 40-50% HS thuộc diện gia đình khó khăn nên trường cũng đang lo tỉ lệ tham gia BHYT sẽ bị giảm sút còn chừng 60%”.
Đến thời điểm này, một số trường học trong tỉnh đã triển khai việc thu BHYT HSSV. Thực tế cho thấy, ngay ở những trường thuận lợi trong việc thu nộp cũng còn có nhiều ý kiến của phụ huynh về mức giá tham gia BHYT. Ông Phan Sơn Đông, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, có con gái đang học lớp 7 Trường THCS Lê Hồng Phong, cho biết: “Tôi mới đi họp phụ huynh cho cháu thì biết mức phí BHYT đã tăng lên 184.000 đồng. Học phí tăng, BHYT tăng, cộng thêm các khoản đóng góp khác nữa cũng ngốn hết suất lương làm bảo vệ của tôi”.
Trước những “lực cản” này, khi nói về việc thực hiện BHYT HSSV trong năm học 2010-2011, ông Võ Năm, Phó giám đốc BHXH cũng cho rằng, phải làm tốt công tác vận động, phấn đấu để có hơn 90% số HSSV tham gia.
* Băn khoăn “nghĩa vụ” và “quyền lợi”...
Dù biết rằng việc tham gia BHYT là nghĩa vụ, đồng thời là quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho con, nhưng ông Đông vẫn bức xúc: “Năm ngoái, con gái tôi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở BVĐK TP Quy Nhơn. Nhưng năm học này, thẻ BHYT phải chọn đăng ký hoặc ở BVĐK tư nhân Hòa Bình hoặc phòng khám tư nhân Hương Sơn và Thành Long. Tôi đã đóng BHYT mức phí cao cho con, nhưng khi đau ốm lại phải đóng thêm phần chênh lệch tiền công khám là bất hợp lý. Trong khi thực tế Luật quy định, người tham gia có quyền lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu”.
Tham khảo ý kiến từ một số phụ huynh học sinh về ý thức tham gia BHYT bắt buộc, đa số phụ huynh đều lo ngại về “quyền lợi” được hưởng.
Ngày 15.9, ông Võ Năm cho biết: Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai BHYT HSSV theo quy định mới, BHXH Việt Nam vừa có văn bản cho phép BHXH các tỉnh thành trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam, được tạm thời chi hỗ trợ cho đại lý thu BHYT tại các trường với mức không quá 2% trên tổng số tiền thực thu BHYT HSSV (không bao gồm tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ). Trong thời gian đầu triển khai quy định chưa có sự đồng thuận cao từ phía người dân; nhưng với chi phí tiền thuốc, giá viện phí dự báo sẽ cao gấp nhiều lần thì mức phí BHYT HSSV như hiện tại là phù hợp.
Đối với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, đại diện cơ quan BHXH tỉnh cho rằng: HSSV đã tham gia BHYT ở BVĐK TP Quy Nhơn ở năm học trước vẫn được đăng ký lại. Hiện nay, BHXH tỉnh đã chỉ đạo cho huyện Hoài Nhơn thí điểm dán ảnh trên thẻ BHYT để tạo thuận lợi thủ tục khám chữa bệnh cho các em. |
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, có hai con đang học ở Trường THCS Lương Thế Vinh và Trường tiểu học Ngô Mây, cho rằng những khoản thu đầu năm học như BHYT là hợp lý, với ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho các cháu và chia sẻ cùng cộng đồng xã hội. Nhưng điều quan trọng là nghĩa vụ phải đi đôi với quyền lợi.
Chị nhấn mạnh: “Sự phân biệt đối xử của nhân viên y tế với bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT, thủ tục rườm rà, người bệnh vào viện chờ đợi rất lâu có khi mất cả buổi nhưng đến khi vào khám chỉ chừng 1-2 phút là xong. HSSV bắt buộc tham gia BHYT với mức phí tăng khá cao, Bộ Y tế cũng có kế hoạch tăng viện phí, nhưng với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực không phát triển theo kịp sự thay đổi này thì liệu người tham gia BHYT có được đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe”.
Chưa kể hiện nay, tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho HSSV cũng gặp không ít phiền phức…
Bảo hiểm y tế HSSV là một chính sách xã hội, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho các em. Và cho dù cơ quan BHXH vẫn luôn vận động, tuyên truyền mọi người hãy nghĩ về những lợi ích thiết thực của BHYT đối với HSSV; nhưng nếu “nghĩa vụ” và “quyền lợi” của người tham gia không được đảm bảo thì các trường và phụ huynh HS cũng chưa “mặn mà” với BHYT.
|