Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ngày 14.9 cho biết, tình hình diễn biến của sốt xuất huyết (SXH) trong tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, số lượng bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 974 ca mắc SXH Dengue, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước. Dù đã có kế hoạch triển khai phòng chống SXH và tiến hành kiểm tra chặt chẽ, nhưng bước qua tuần đầu tháng 9, số ca SXH đã vọt lên 78 ca/tuần, tăng nhiều so với các tuần trước đó. Đặc biệt, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa nên lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện do SXH khá nhiều.
Bắt đầu có ca bệnh từ đầu tháng 8, đến nay An Nhơn là “điểm nóng” của tỉnh về SXH, với 248 trường hợp, tâm điểm là các xã Nhơn Hòa 55 ca, Nhơn Thành 25 ca và thị trấn Đập Đá 37 ca. Số ca bệnh vào viện tăng dồn dập từ đầu tháng 9 đến nay. Bình quân mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện An Nhơn tiếp nhận 30-40 bệnh nhân nhập viện do SXH, sốt siêu vi và sốt phát ban. Hiện tại, với lượng bệnh nhân vượt ngưỡng 300 người, gấp đôi số giường bệnh hiện có, Trung tâm đã phải mở phòng kê thêm giường bệnh.
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho biết: “Đến chiều 14.9, có 22 bệnh nhân SXH nằm viện ở khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm, một số ca bệnh nặng phải chuyển lên BVĐK tỉnh. Khác với mọi năm, số ca SXH ở người lớn đã chiếm đến một nửa bệnh nhân. Đáng lưu ý, nhiều ca bệnh mắc SXH vào viện rất nặng sau thời gian điều trị tại nhà”.
Từ đầu tháng 8 đến nay, An Nhơn đã xử lý 24 ổ dịch nhỏ tại 10 xã, thị trấn; nhưng dự báo tình hình dịch bệnh SXH sẽ phức tạp hơn vào mùa mưa. Để tăng cường công tác phòng chống dịch SXH lây lan trên diện rộng, huyện đã nhanh chóng tiến hành những biện pháp khẩn cấp, huy động các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng xuống cơ sở nơi có ổ dịch làm vệ sinh, đồng thời cũng tổ chức phun hóa chất để hạn chế dịch khi mùa mưa đang đến gần. Công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh ở các điểm nóng và ổ dịch SXH vẫn tiếp tục được tăng cường. Bác sĩ Lê Thái Bình cũng đặt vấn đề đánh giá lại độ nhạy kháng của hóa chất, bởi thực tế nhiều nơi chỉ số muỗi vẫn còn rất cao sau khi phun. Để phòng chống muỗi truyền bệnh SXH hiệu quả, cần phải kịp thời nắm được trong từng khu vực, hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất ở các liều lượng khác nhau.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, trong cuộc họp Hội đồng lựa chọn hóa chất diệt muỗi SXH do Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 8 cũng đưa ra vấn đề đánh giá tình hình nhạy, kháng của các véc tơ SXH với hóa chất. Khu vực miền Trung-Tây Nguyên là nơi có tình hình SXH năm 2010 gia tăng rất cao, ở đây cũng là nơi có tình hình muỗi SXH biến động phức tạp, hóa chất diệt côn trùng được sử dụng nhiều. Vì vậy, các nhà chuyên môn cũng cho rằng hiện nay đã có một số loài muỗi kháng thuốc, hoặc đã tăng sức chịu đựng, trong đó có véc tơ SXH.
|