Nỗ lực phát triển ngành công tác xã hội
21:44', 18/9/ 2010 (GMT+7)

Thực tế cho thấy, các dịch vụ bảo trợ xã hội và phúc lợi đòi hỏi phải ngày càng chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ và can thiệp kịp thời cho những đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh. Đã đến lúc công tác xã hội (CTXH) trở thành một nghề được thừa nhận về tầm quan trọng và ảnh hưởng đối với sự phát triển của xã hội hiện đại…

 

CTXH phát triển mạnh sẽ góp phần trợ giúp con người giải quyết và đối phó với những khó khăn trong cuộc sống...

- Trong ảnh: Trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm.

 

* Năng động và nhân ái

CTXH là một chuyên ngành ra đời với mục đích giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. CTXH có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội như bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em; bảo vệ nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội; thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người. CTXH phát triển mạnh sẽ góp phần phát triển và cải thiện hệ thống an ninh xã hội; trợ giúp con người và cộng đồng giải quyết và đối phó với các khó khăn trong cuộc sống...

Theo các nhà chuyên môn, người muốn chọn và theo đuổi ngành CTXH phải có một tấm lòng nhân ái thật sự, mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những nhóm người yếu thế trong xã hội. Bạn phải năng động, có khả năng giao tiếp, kiên trì và nhẫn nại; bởi các đối tượng bạn sẽ tiếp xúc, làm việc, đa phần là những con người “lệch chuẩn”, đôi khi có những thái độ và hành động đặc thù về tâm sinh lý, dễ làm nản lòng bạn khi phải làm việc với họ.

Đối với người làm CTXH tại các trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc giáo dục các đối tượng xã hội cần được rèn luyện, đào tạo những kỹ năng nói chuyện và làm việc. Với người già, người tàn tật, trẻ mồ côi… cần phải tận tình, chu đáo. Trong giao tiếp với các đối tượng cai nghiện, những hành động nhỏ nhất như chốt cửa phòng nếu không khéo sẽ dễ gây mâu thuẫn. Anh Trần Minh Trường, quản giáo của Trung tâm Giáo dục-Lao động&Xã hội, chia sẻ: “Khó nhất là nhiệm vụ nắm bắt tư tưởng tình cảm phức tạp của đối tượng cai nghiện ma túy. Chỉ cần một thông tin từ gia đình như cha bệnh, vợ đòi ly hôn, đối tượng rất dễ xúc động, thay đổi thái độ rất nhanh, dẫn đến những hành động bộc phát”. Các quản giáo của Trung tâm thường kể về những tình huống nguy hiểm khi đối diện với những kẻ liều lĩnh, dùng dao, bàn chải đánh răng mài nhọn… để đối phó với quản giáo khi muốn trốn cải tạo…

 

Chăm sóc trẻ em tàn tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
 

* Một ngành, một nghề

Ở Việt Nam, ngành CTXH chính thức tuyển sinh từ tháng 10 năm 2004. Sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan của ngành LĐ-TB&XH các cấp từ Trung ương đến địa phương, hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các loại đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, nhà nghiên cứu giảng dạy hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội.

Năm 2005, Trường ĐH Quy Nhơn bắt đầu tuyển sinh ngành CTXH, là một trong những trường đào tạo ngành CTXH khá sớm ở nước ta. Khóa đào tạo CTXH đầu tiên tốt nghiệp tháng 6.2008, đến nay, đã có 70% sinh viên có được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Hiện tại, ngành CTXH của Trường ĐH Quy Nhơn có 235 sinh viên theo học.

Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn CTXH, Khoa Tâm lý giáo dục và CTXH, Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng: “Lâu nay, cách làm của những người hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CTXH chưa phù hợp, chủ yếu mang tính hỗ trợ vật chất bên ngoài, trong khi đó, phương pháp của CTXH là khơi dậy khả năng bên trong của con người, đi từ ý thức đến hành vi. Mặt khác, nhu cầu nhân lực của ngành CTXH ngày càng lớn, trong khi khả năng đào tạo của ta còn hạn chế. Vì vậy, đẩy mạnh đào tạo nhân lực có đủ chuyên môn, nghiệp vụ về CTXH là một yêu cầu bức thiết hiện nay”.

Từ thực tiễn đào tạo ngành CTXH ở Trường ĐH Quy Nhơn, theo ông Tuấn, công tác tuyển sinh và đào tạo ngành này còn nhiều khó khăn. CTXH là một ngành mới ở nước ta, sự nhận thức của xã hội còn nhiều hạn chế, sinh viên ngại đăng ký học. Mặt khác, đội ngũ giảng viên chuyên ngành còn thiếu, chất lượng chưa cao, đa phần từ các lĩnh vực khác chuyển sang. Hơn nữa, hệ thống giáo trình giảng dạy chưa hoàn thiện, các tài liệu tham khảo cũng rất hiếm. Ngoài ra, còn phải kể đến những khó khăn trong khâu thực hành. Là một ngành khoa học ứng dụng, CTXH yêu cầu người học hòa mình vào thực tế xã hội, song việc liên hệ thực hành rất khó vì các trung tâm BTXH, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội không thuộc quản lý của cơ sở đào tạo.

Nhận thức được nhu cầu nhân lực ngành CTXH, sự cần thiết phải phát triển nghề CTXH, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan đã triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH, giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu đặt ra là đưa hoạt động từ thiện, nhân đạo, công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp, có các chức danh, quyền hạn cụ thể. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu và áp dụng ngạch, bậc lương cho viên chức CTXH.

Tại tỉnh ta, Sở LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 tại Bình Định. Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Dự kiến, từ nay tới cuối năm 2010, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành triển khai các hoạt động chính như điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 50% số viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, cơ sở cung cấp dịch vụ và ngành LĐ-TB&XH các cấp; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về nghề CTXH; ban hành các văn quy phạm pháp luật phát triển nghề CTXH”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo   (18/09/2010)
Tăng chỉ tiêu đào tạo nghề may   (17/09/2010)
Khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho LHQTVCTVN lần III   (17/09/2010)
Tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (nhiệm kỳ 2005-2010)   (18/09/2010)
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo  (16/09/2010)
Thí điểm thanh toán theo phương thức tập trung  (16/09/2010)
Tổ chức lễ trao chế độ khuyến khích cho nhân lực trình độ cao  (17/09/2010)
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Bình tiếp và làm việc với ông Phùng Văn Hoàn, PCT Hội CTĐ VN  (16/09/2010)
Thanh tra hoạt động game online, đại lý internet, thuê bao di động trả trước  (15/09/2010)
Tập huấn quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc   (15/09/2010)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Quân giới   (15/09/2010)
Làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ   (15/09/2010)
10 năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh   (15/09/2010)
Mùa mưa, sốt xuất huyết càng “nóng”   (15/09/2010)
Nhiều băn khoăn về quyền lợi  (15/09/2010)