Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo:
Trường gần cho vùng xa
20:33', 20/9/ 2010 (GMT+7)

Trên tuyến tỉnh lộ 634- đường lên các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, ngôi trường THPT Nguyễn Hồng Đạo ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (Phù Cát) hiện lên như một điểm nhấn khó bỏ qua đối với người đi đường. Đây là ngôi trường thứ 50, “trẻ” nhất trong hệ thống các trường THPT trong tỉnh…

Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo được thành lập giúp cho HS các xã phía Tây huyện Phù cát đi học gần hơn.

 

* trường gần

Huyện Phù Cát có 4 trường THPT, trong đó Trường THPT số 1 Phù Cát tuyển học sinh (HS) của 8 xã: thị trấn Ngô Mây, Cát Tân, Cát Trinh, Cát Tường, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp. Đối với những HS của các xã Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Lâm và Cát Sơn thì đường đến trường THPT số 1 Phù Cát xa hàng chục km; thậm chí là 20 km đối với HS sống ở thôn cuối của xã Cát Sơn như Hội Sơn, Thạch Bàn Tây. Bởi vậy, rất nhiều HS ở xa phải trọ học ở thị trấn Ngô Mây.

Để tạo điều kiện cho HS 4 xã trên được đi học gần nhà, Sở GD-ĐT tỉnh đã quyết định xây dựng thêm 1 trường THPT nữa trên địa bàn thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh. Trường nằm trên khu đất rộng 2,2 ha, gồm một dãy nhà 2 tầng 12 phòng học, phòng học bộ môn, khu nhà vệ sinh, khu hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên và một phòng máy vi tính gồm 23 máy. Năm học 2009-2010, Trường được đưa vào sử dụng trên danh nghĩa là cơ sở 2 của Trường THPT số 1 huyện Phù Cát, gồm 22 lớp của cả ba khối lớp 10, 11 và 12. Học sinh có hộ khẩu ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Lâm và Cát Sơn đều chuyển về đây học.

Trong số 42 giáo viên của Trường THPT số 1 Phù Cát được phân công lên cơ sở 2 dạy, ngoại trừ thầy Châu Văn Phú, Phó Hiệu trưởng của Trường THPT số 1 Phù Cát và một giáo viên nữa ở độ tuổi U50, còn lại đều từ 30 tuổi trở xuống. Bởi vậy, khi con em chuyển về trường mới, không ít phụ huynh e ngại giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm, ảnh hưởng đến việc học của con em; thậm chí, còn cố chạy hộ khẩu để con mình được tiếp tục học ở trường cũ. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 vừa qua, trong số 273 HS lớp 12 của trường mới, chỉ có 1 em rớt. Đây là cơ sở củng cố niềm tin cho phụ huynh vào chất lượng đào tạo của trường.

Tháng 6.2010, THPT Nguyễn Hồng Đạo có quyết định thành lập chính thức. Ngôi trường được mang tên của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Hồng Đạo, quê ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

             Học sinh Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo.

 

* giáo viên trẻ

Năm học 2010-2011, Trường có 28 lớp, 1.180 HS, gồm 8 lớp khối 12 (287 HS), 7 lớp khối 11: (274HS), trong số 13 lớp 10, có 7 lớp công lập (337 HS); 6 lớp còn lại là hệ B (283 HS). Em Nguyễn Thị Hồng Vy, HS lớp 12A2, nhà ở thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn phấn khởi: “Ngày trước học ở Trường THPT số 1 Phù Cát em phải ở trọ, vài ba ngày, thậm chí một tuần mới về nhà vì đường sá xa xôi. Từ ngày về học ở trường mới… được gần nhà thêm chục km. Ba em đỡ vất vả, cũng chẳng còn lo lắng, thấp thỏm mỗi khi thấy con gái tan học trễ”. Còn ông Bùi Văn Tài, nhà ở thôn Hội Sơn, có hai con đang học lớp 12 và lớp 10 cho biết: “Con về học gần nhà đỡ tốn kém hẳn, tôi cũng đỡ lo hơn. Thằng nhỏ nay thi rớt công lập, cũng vẫn học hệ B tại trường. Không chỉ mình tôi mà các phụ huynh khác cũng đều mừng cả…”.

Hiện tại, dù học 2 buổi/ngày nhưng trường vẫn không có đủ phòng học, phải tạm “trưng dụng” phòng hội đồng và 2 phòng học bộ môn để giảng dạy. Ông Châu Văn Phú, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo, giải thích: “Thiếu phòng học là do “phát sinh” 6 lớp 10 hệ B. Sau khi tuyển HS lớp 10, nhân dân của 4 xã trên đề nghị mở thêm các lớp hệ B để các em được học gần nhà, khỏi xuống thị trấn Ngô Mây. Xét đây là đề nghị chính đáng, nên Sở GD-ĐT đã đồng ý cho mở thêm hệ bán công”. 

GV của Trường có bình quân tuổi đời rất trẻ: 32 tuổi, và đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo. GV Lê Quang Triệu, 26 tuổi, đã lấy bằng thạc sĩ môn Sinh học. Một GV khác cũng chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ. “Chúng tôi đề ra tiêu chí và tạo điều kiện cho GV đi học nâng cao trình độ hàng năm. Bởi đã từng là cơ sở 2 của Trường THPT số 1 Phù Cát nên chúng tôi cũng phải cố gắng giữ vững truyền thống học tốt. Hiện, HS làm bài kiểm tra một tiết vẫn chia phòng như thi tốt nghiệp THPT; để các em không ỷ lại, mặt khác làm quen với không khí thi cử…”- ông Phú nói thêm. 

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao học bổng cho sinh viên ngành bác sĩ đa khoa   (20/09/2010)
Trao học bổng cho học sinh Tây Sơn   (20/09/2010)
Người trưởng đồn tận tụy với công việc  (19/09/2010)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở An Nhơn  (20/09/2010)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (19/09/2010)
“Xẻ thịt” tàu chìm làm dầu loang trên biển  (19/09/2010)
Trung thu xách đèn đi chơi…  (19/09/2010)
Nỗ lực phát triển ngành công tác xã hội   (18/09/2010)
Trao tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo   (18/09/2010)
Tăng chỉ tiêu đào tạo nghề may   (17/09/2010)
Khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho LHQTVCTVN lần III   (17/09/2010)
Tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (nhiệm kỳ 2005-2010)   (18/09/2010)
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo  (16/09/2010)
Thí điểm thanh toán theo phương thức tập trung  (16/09/2010)
Tổ chức lễ trao chế độ khuyến khích cho nhân lực trình độ cao  (17/09/2010)