DỊCH VỤ DS-KHHGĐ VÙNG BIỂN ĐẢO:
Lấp đầy “vùng lõm”
21:54', 23/9/ 2010 (GMT+7)

Sau hơn một năm triển khai đề án dân số các xã ven biển trong tỉnh, đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan trong việc lấp đầy “vùng lõm” dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở các xã ven biển, xã đảo.

 

Các đợt chiến dịch cung cấp dịch vụ và tuyên truyền vận động DS-KHHGĐ cho phụ nữ vùng ven biển, xã đảo chỉ thực hiện được ở một số thời điểm. - Trong ảnh: Phụ nữ xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) chờ đón ghe cá vào bờ. Ảnh: Thu Hiền

 

* Ưu tiên truyền thông và cung cấp dịch vụ

Từ năm 2009 đến nay, 32 xã ven biển thuộc các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn đã thực hiện nhiều đợt trong chiến dịch tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính… Các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép qua các hoạt động của thôn, đoàn thể, tổ chức những buổi văn nghệ, tiểu phẩm kịch.

Ở vùng biển, với quan niệm sinh con trai để có người “trụ cột” gia đình đương đầu với biển trong kế mưu sinh, nên nhiều gia đình vẫn cố sinh thêm. Để thay đổi một quan niệm, một ước muốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức không phải là chuyện đơn giản. Kênh tuyên truyền tích cực nhất cho chương trình này là lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ ở các thôn. Chị Đỗ Thị Cảnh, một cộng tác viên thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), tâm sự: “Mỗi lần chúng tôi nói về nội dung này, nhiều người không muốn nghe; số khác muốn thực hiện nhưng gia đình buộc phải sinh, nhiều cuộc họp tổ chức mời nhưng họ nói là bận việc nhà, cố ý lảng tránh. Để đạt được kết quả, chúng tôi phải tới nhà làm công việc giúp họ, thậm chí là giặt đồ, lau nhà, cho heo ăn, vừa làm vừa thuyết phục”.

Sự nhiệt tình, xông xáo của lực lượng cộng tác viên đã giúp chương trình vận động đến được từng nhà, từng người. Chị Trần Thị Thu Nguyệt, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoài Hương, cho biết: “Sau khi thực hiện các chiến dịch, bước đầu đề án đã đạt được những kết quả khả quan. Tỉ lệ giới tính khi sinh của xã đạt 95% nam so với nữ. Chương trình cũng vận động nhân dân sử dụng nước sạch để hạn chế viêm nhiễm, lây truyền bệnh phụ nữ…”.

Người dân làm biển chủ yếu vào mùa trăng nên chiến dịch tuyên truyền chỉ thực hiện được vào một số thời điểm. Chị Trần Thị Hồng, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “80% người dân trong xã làm nghề biển nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất huyện hỗ trợ tuyên truyền lưu động bằng hình ảnh trực quan vào mùa trăng tại các điểm chợ, khu dân cư tập trung”.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nhấn mạnh: “Trong chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, kinh phí và hoạt động được rải đều cho các địa bàn, vô hình chung vùng biển đảo trở thành “vùng lõm”. Vì thế,  trong đề án DS vùng biển đảo, mỗi năm, các xã ven biển và xã đảo tổ chức 4 đợt chiến dịch, mua sắm máy móc thiết bị để lấp đầy dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân”.

 

Tỉ lệ giới tính khi sinh ở một số xã ven biển, xã đảo đã giảm được mức chênh lệch giữa nam và nữ. Ảnh: Thu Hiền

 

* Cần được duy trì thường xuyên

Người dân vùng biển thường xuyên tiếp xúc với đầm lạch, hồ tôm nên tỉ lệ người mắc các bệnh viêm nhiễm tương đối cao. Khi những vụ tôm kết thúc, việc cải tạo hồ tôm phải tiếp xúc nhiều với nước bẩn, hóa chất làm phát sinh những bệnh viêm nhiễm ở chị em là khó tránh khỏi. Chị Trần Thị Hồng cho biết, sau khi thực hiện các chiến dịch định kỳ… tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm của xã Hoài Hải giảm từ 68% xuống còn 42,3%, nhưng kết quả này lại khó bền vững nếu không được duy trì thường xuyên.

Công tác DS-KHHGĐ vùng biển đảo được xác định là rất khó khăn. Cộng tác viên chương trình thường là chi hội phụ nữ, y tế thôn… gần gũi với quần chúng và thấu hiểu tâm tư, hoàn cảnh của từng đối tượng. Trong khi đó, chế độ của các cộng tác viên DS còn hạn hẹp, 100 ngàn đồng/tháng.

Chị Đỗ Thị Cảnh cho biết, muốn tuyên truyền có hiệu quả phải thăm dò đối tượng, nắm bắt được nguyện vọng của họ. Mỗi lần tổ chức họp, thảo luận nhóm để phổ biến chương trình mà gặp mùa gặt hay mùa trăng thì không thể tổ chức được, phải phối hợp lồng ghép vào các hoạt động ở thôn hoặc đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Nhiều đợt vận động khám phụ khoa, các bệnh viêm nhiễm thu hút đông đảo chị em nhưng thuốc cấp phát hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu, thiếu tài liệu tuyên truyền cũng một phần gây khó khăn cho công tác vận động lần sau.

Hiện nay, tỉ lệ sinh con thứ 3 ở các xã ven biển, xã đảo trong tỉnh vẫn còn khá cao. Đơn cử như trường hợp xã Hoài Hải, trong 9 tháng đầu năm, tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng hơn so với năm 2009, thôn Kim Giao Bắc và Kim Giao Thiện tỉ lệ sinh con thứ 3 chiếm trên 50%. Trong khi đó, xã Hoài Mỹ tỉ lệ sinh con thứ 3 là 19%, chỉ có thôn Mỹ Thọ không vi phạm, riêng thôn Lộ Diêu tỉ lệ sinh con thứ 3 chiếm 41,2%.

Vì thế, để đưa chương trình DS vùng biển đảo đi vào quỹ đạo chung của tỉnh vẫn còn những chặng đường dài phía trước, những hình thức tuyên truyền, dịch vụ cần được duy trì tích cực hơn.

  • Thu - Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp yêu thương cho hội trăng rằm  (23/09/2010)
Hơn 432 tỉ đồng đào tạo nghề lao động nông thôn  (23/09/2010)
3 HS được nhận vào trường ĐH Val de Loire (Pháp)  (23/09/2010)
UBND tỉnh làm việc với đại diện của Quỹ Rockefeller  (23/09/2010)
Phòng xét nghiệm đầu tiên của ngành Y tế đạt chuẩn ISO 15189:2007  (22/09/2010)
Miễn, giảm học phí ĐH, CĐ và TCCN cho đối tượng chính sách  (22/09/2010)
Ghi nhận ở một chi bộ   (22/09/2010)
1.936 người thọ 90 tuổi được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh  (22/09/2010)
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba   (22/09/2010)
Sơ kết 2 năm sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế   (22/09/2010)
Phấn đấu về đích sớm  (21/09/2010)
Khắp nơi vui Tết Trung thu  (21/09/2010)
Ký kết chương trình phối hợp chung sức vì nhân đạo  (21/09/2010)
Xây dựng 130 công trình vệ sinh cho các trường tiểu học- mầm non  (21/09/2010)
Tặng 18 triệu đồng cho 4 chị em mồ côi  (21/09/2010)