Cuối tháng 6.2010, thông tin về việc phát hiện loài bọ xít hút máu người tại Hà Nội và Đà Nẵng nhanh chóng lan ra, khiến không ít người dân hoang mang. Cho đến nay, khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã xác định có bọ xít hút máu người ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận.
10/12 người bị bọ xít đốt được điều tra đều không có biểu hiện sốt, không có biểu hiện buồn ngủ. 2/12 người bị bọ xít đốt sử dụng thuốc chống dị ứng có cảm giác buồn ngủ nên nhầm tưởng là “bệnh ngủ” do bọ xít. Đại diện Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn khẳng định: các cá thể bọ xít thu thập được ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều là loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata.
Việt Nam tuy chưa có báo cáo ca bệnh Chagas hoặc bệnh ngủ nào cho đến nay, nhưng các nhà khoa học cho rằng cần phải đề phòng nguồn bệnh du nhập từ nước ngoài. Nếu người dân bị bọ xít đốt mà thấy xuất hiện các biểu hiện triệu chứng nêu trên, cần đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị; cần đưa thêm danh mục bệnh Chagas và xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng T. cruzi tại các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc tế (sân bay, cửa khẩu, hải cảng…) để đề phòng nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài.
Để có những thông tin đầy đủ và chính xác hơn, tạo cơ sở đề xuất những biện pháp phòng chống chủ động và hiệu quả cho người dân, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn đang phối hợp với Viện Sinh thái-Tài nguyên sinh vật và Viện Công nghệ sinh học, xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, giám định phân tử, phân bố, khả năng truyền bệnh và các biện pháp phòng chống bọ xít hút máu Triatoma spp ở Việt Nam”. Kết quả của đề tài sẽ cung cấp thông tin khoa học chính xác và giải quyết thỏa đáng vấn đề bọ xít hút máu người đang được dư luận quan tâm, đồng thời đề xuất các biện pháp chỉ đạo phòng chống.
Theo khuyến cáo của Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, người dân có thể nhận biết loại côn trùng này khi nhìn thấy nó với các biểu hiện: có màu nâu, nhỏ hơn bọ xít ở cây nhãn. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra, cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm. Có thể dùng các hóa chất trong y tế phun trong và xung quanh nhà để phòng và tiêu diệt bọ xít.
|