Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X chuẩn bị để báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong những năm đến. Chiến lược đã định rõ các vấn đề cốt lõi của kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay và đường hướng chiến lược cùng các chính sách, biện pháp để đến năm 2020 nước ta sẽ đạt đến một tầm cao phát triển mới.
Nhìn chung, các đánh giá của Dự thảo Chiến lược về thực trạng của kinh tế Việt Nam; một số quan điểm và mục tiêu phát triển được bản Dự thảo Chiến lược đề ra là đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Tuy nhiên, xin có một số góp ý với bản Dự thảo Chiến lược để Đảng, Nhà nước có các chính sách, biện pháp để đạt các mục tiêu như đã đề ra như sau:
|
Giữa các làng nghề, vùng nguyên liệu với các đô thị cần có sự liên kết tốt hơn.
- Trong ảnh: Nghề dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).Ảnh: Hứa Thiện |
Hiện nay, khu vực nông thôn ở nước ta, nơi chiếm gần 70% dân số, đang là khu vực còn nhiều khó khăn về mọi mặt và thiệt thòi rất nhiều so với khu vực đô thị. Nền kinh tế lại xảy ra nghịch lý dư thừa lao động ở nông thôn và thiếu lao động ở các khu công nghiệp - khu chế xuất. Nếu kinh tế nông thôn không phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để rút ngắn khoảng cách so với thành thị thì không thể thực hiện thành công chiến lược chung. Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, phải làm tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là Đảng, Nhà nước cần phải tập trung giải quyết mấy vấn đề sau:
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của nước ta cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ, sản phẩm thô với khối lượng nhiều. Tuy nông sản xuất khẩu nhiều nhưng so với công sức bỏ ra thì không tương xứng. Do đó, cần phát triển nông nghiệp bền vững và mạnh mẽ, tức là sản xuất nông nghiệp phải có khả năng cạnh tranh cao trong bất kỳ tình huống nào. Nếu nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều sâu, sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khối lượng ổn định thì ngay trong những thời điểm khó khăn nhất vẫn có thể bán được hàng. Nông nghiệp phải chuyển sang nông nghiệp hiện đại, khuyến khích tích tụ ruộng đất thành trang trại, gia trại để sản xuất lớn. Do đó, ngành nông nghiệp cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của khoa học công nghệ để tạo sự chuyển biến về chất, có sức cạnh tranh bền vững.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp. Bởi lẽ, phát triển nông thôn là phát triển tổng hợp, kinh tế nông thôn phải có dịch vụ và công nghiệp. Chiến lược phát triển công nghiệp thời gian qua luôn thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao, nên chủ yếu cạnh tranh bằng lao động giá rẻ. Vì thế, khi khó khăn, cần cắt giảm lao động, người ta sẵn sàng cắt giảm lực lượng này như trong ngành dệt may, da giày, xây dựng…, gây nên những bất ổn về đời sống và an sinh xã hội.
Một vấn đề nữa là, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng hiện thời kinh tế nông thôn vẫn phát triển chưa vững chắc, nông thôn và thành thị không có sự kết nối tốt. Cho đến nay, giữa các làng nghề, vùng nguyên liệu với các đô thị hầu như không có sự liên hệ nào trong sản xuất. Hiện 70% nhà máy lớn, khu công nghiệp bám vào đô thị. Điều này không những gây áp lực cho khu vực đô thị trong việc phải tiếp nhận lượng dân di cư lớn mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, khó có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, các nhà máy cần được đưa về nông thôn để tạo việc làm cho lực lượng lao động. Theo đó, định hướng tốt nhất là phát triển các thành phố vệ tinh ở các vùng chứ không chỉ tập trung phát triển các đô thị tập trung cực lớn. Công nghiệp hóa, đô thị hóa phải hướng về phục vụ nông thôn. Chỉ có như vậy thì thu nhập của nông dân mới được cải thiện một cách tích cực và hiệu quả.
|