TRUNG TÂM TƯ VẤN VÀ CAN THIỆP SỚM TRẺ KHUYẾT TẬT:
Cần có sự hợp lực
21:29', 3/1/ 2011 (GMT+7)

Được thành lập từ tháng 7.2010, Trung tâm Tư vấn và can thiệp sớm trẻ khuyết tật thuộc Khoa Tâm lý- Giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn đã trở thành một địa chỉ khá quen thuộc đối với những phụ huynh có con bị hội chứng tự kỷ hoặc chậm nói, chậm phát triển về trí tuệ. Tuy còn khó khăn nhiều bề, nhưng thầy cô và sinh viên tình nguyện ở Trung tâm vẫn làm việc nhiệt tình để giúp trẻ tự kỷ hướng đến một cuộc sống bình thường.

 

Đã tốt nghiệp năm 2010, nhưng cựu sinh viên Trần Thị Ánh Phượng (bên trái) vẫn tình nguyện làm việc miễn phí tại Trung tâm. 

 

* Một địa chỉ giúp trẻ tự kỷ

Chị Phan Thị Thu Hương, ở Biển Hồ (Gia Lai), đang mang thai bé thứ hai ở tháng thứ 7 vẫn đưa đứa con đầu là bé Kiên, gần 4 tuổi, mắc hội chứng tự kỷ đến Trung tâm Tư vấn và can thiệp sớm trẻ khuyết tật để điều trị. Từ 3 tháng nay, chiều thứ 5 nào hai mẹ con cũng đón xe từ Biển Hồ về Quy Nhơn để sáng thứ 6 đến Trung tâm điều trị. Sau 1 giờ điều trị, mẹ con chị lại đón xe về lại Biển Hồ. Chị Hương tâm sự: “Qua 3 tháng điều trị, Kiên đã tiến bộ nhiều, cháu đã biết đáp lại lời người khác nói, biết xin phép mẹ lấy đồ chơi…” .

Chị Võ Thị Thủy, cán bộ của khoa, trực tại Trung tâm cho biết, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận tư vấn và can thiệp cho khoảng 50 ca, chủ yếu ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi. Mỗi ca thực hiện 2 buổi/tuần, mỗi buổi 1 giờ. Đó là chưa kể còn khá nhiều ca Trung tâm đã tư vấn, giải đáp thắc mắc và giải tỏa tâm lý cho phụ huynh, nhất là những phụ huynh chỉ mới thấy con mình hiếu động hoặc chậm nói đã nghi ngại bị tự kỷ…”- chị Thủy nói.

Trung tâm Tư vấn và can thiệp sớm trẻ khuyết tật chính thức thành lập từ tháng 7.2010, nhưng trước đó, Khoa Tâm lý- Giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn đã từng nhận điều trị thành công tại nhà một số trường hợp. TS. Dương Bạch Dương, Trưởng bộ môn Giáo dục học và Giáo dục đặc biệt, người trực tiếp phụ trách chuyên môn của Trung tâm, cho biết: “Chuyên ngành Giáo dục đặc biệt được đưa vào giảng dạy tại khoa đã 7 năm. Xuất phát từ nhu cầu thực hành nên từ năm 2008, chúng tôi đã thử can thiệp tại nhà cho một số trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chậm nói ở TP Quy Nhơn. Qua đó, chúng tôi thấy rằng tình trạng trẻ tự kỷ khá phổ biến, nhưng vì nhiều lý do mà người nhà không sớm phát hiện hoặc không có điều kiện chữa trị. Vì vậy, khoa đã đề xuất với Trường về ý tưởng thành lập Trung tâm…”. 

 

Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm trẻ khuyết tật hiện vẫn còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất lẫn nhân lực.

- trong ảnh: Một góc Phòng can thiệp sớm ở Trung tâm. 

 

* Cần thêm nhân lực, cơ sở vật chất

Trường Đại học Quy Nhơn đã cho khoa mượn 2 phòng để Trung tâm làm Phòng can thiệp sớm và phòng tư vấn. Việc tư vấn, can thiệp do 6 giáo viên tổ bộ môn Giáo dục học của khoa kiêm nhiệm, cùng với 2 đội sinh viên khoảng 30 em tình nguyện hỗ trợ.

Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động, bình quân mỗi tuần Trung tâm tiếp nhận thêm khoảng 2 ca mới. “Bệnh nhi” có lúc đông nên giáo viên phải mượn tạm phòng tư vấn để làm nơi đón tiếp. Do đó, việc điều trị bị gián đoạn, không đạt hiệu quả cao vì trẻ dễ bị phân tán tư tưởng. Với số lượng người đến như vậy, ít ra Trung tâm phải có thêm vài phòng học cá nhân; chưa kể phải có chỗ cho trẻ hoạt động thể chất, phòng vật lý trị liệu và cả những trang thiết bị, dụng cụ chuyên biệt. Trung tâm cũng chưa có máy in, máy phô tô tài liệu cho phụ huynh.

Nhân lực cũng là bài toán khó, trong đó khó nhất là không có cán bộ chuyên trách tại Trung tâm. Giáo viên dạy nhiều, bận rộn; trong khi lực lượng sinh viên tuy nhiệt tình, nhưng biến động. “Giáo viên thì dù sao cũng có lương, còn sinh viên thì không hề có một khoản hỗ trợ nào. Có những sinh viên làm rất tốt, rất nhiệt tình và tâm huyết nhưng sau khi ra trường phải tìm việc làm khác. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì mọi hoạt động với phương châm giúp trẻ, giúp phụ huynh được đến đâu hay đến đấy…”- TS. Dương tâm sự.

TS. Võ Nguyên Du, Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, cho biết, chiến lược “dài hơi” của khoa là nếu có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đủ nhân lực thì sẽ tiến hành khám sàng lọc tại TP Quy Nhơn, nhân rộng ra các địa phương, hỗ trợ tư vấn cho các gia đình. Muốn vậy, phải có sự hỗ trợ thêm về nhân lực, cơ sở vật chất. Sắp tới, khoa sẽ tổ chức một buổi hội thảo, rút kinh nghiệm hoạt động cũng như kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ.

Hiện chưa có thống kê chính thức về trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ, chậm phát triển tại tỉnh ta, tuy nhiên, con số này đang có chiều hướng tăng. Đối tượng cần được can thiệp càng sớm càng tốt, đặc biệt giai đoạn dưới 6 tuổi, nhưng hiện nay chưa có nơi nào tiếp nhận can thiệp. Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn và Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm chỉ tiếp nhận học sinh từ 7 tuổi trở lên, và cũng đang trong tình trạng quá tải về cơ sở vật chất, nhân lực. Vậy nên, có thêm một Trung tâm Tư vấn và can thiệp sớm tại chỗ là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sự tình nguyện của giáo viên, sinh viên ở khoa thôi thì chưa đủ, mà cần phải có sự hợp lực từ nhiều nguồn.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phân bổ 50 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho nhân dân   (03/01/2011)
Nhân sự mới   (03/01/2011)
Đại hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định lần thứ II  (03/01/2011)
Thủ tướng phê chuẩn và bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  (03/01/2011)
Tăng cường TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề  (02/01/2011)
Bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (02/01/2011)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (02/01/2011)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (02/01/2011)
Chỉ một doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết  (02/01/2011)
Nhiều hoạt động khởi động Năm Thanh niên 2011  (02/01/2011)
Đón nhận Huân chương Lao động hạng III  (02/01/2011)
Lễ phát động Năm Thanh niên 2011  (01/01/2011)
Còn nhiều doanh nghiệp bỏ qua   (31/12/2010)
Nội dung thể hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng  (31/12/2010)
Đại hội đại biểu Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh lần thứ IV   (31/12/2010)